Mảnh đất hấp dẫn của điện ảnh thế giới
Lâu nay, các tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim sinh tồn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với những thiên tai, dịch bệnh, sự hiểm trở của địa hình, những tình huống nguy hiểm cực độ… dẫn đến tình tiết ngàn cân treo sợi tóc cho các nhân vật trong phim. Để rồi trong hành trình tranh đấu sống còn đó, cả nhân vật lẫn người xem đều rút ra được những bài học giá trị về cuộc sống, nhất là việc phải trang bị cho mình một số kỹ năng cơ bản để bảo toàn sinh mạng trong những tình thế khốc liệt nhất.
Thế giới không thiếu những bộ phim ngợi ca ý chí sinh tồn của con người trong hoàn cảnh hiểm nguy. Mới đây nhất, vào đầu năm 2020, bộ phim The Cave (tựa Việt: Cuộc giải cứu hang Tham Luang) đã chiếu tại các rạp Việt Nam, tái hiện sự kiện giải cứu 12 cậu bé và huấn luyện viên của đội bóng đá bị mắc kẹt trong hang động. Bộ phim The Revenant (tựa Việt: Người về từ cõi chết) là cuộc đấu tranh sinh tồn của Hugh Glass - người thợ săn do tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai. Sau trận chiến đẫm máu với những người Mỹ bản địa, Hugh bị thương nặng và bị người bạn phản bội, tàn nhẫn bỏ lại trong núi tuyết. Anh phải làm mọi cách để tồn tại giữa núi tuyết, thú dữ... và ý chí kiên cường đã giúp anh sống sót một cách kỳ diệu để trở về.
Ngoài ra còn nhiều tác phẩm điện ảnh lấy đề tài con người vật lộn để sinh tồn ở những hoàn cảnh, tình huống nguy hiểm, như Jungle (2017, tựa Việt: Hiểm họa rừng chết) về cách sống sót trong rừng rậm Amazon; The Shallows (2016, Vùng nước tử thần) xoay quanh một cô gái trẻ ưa phiêu lưu bất ngờ bị một con cá mập hung tợn tấn công khi đang lướt ván trên biển; Everest (2015) - từ hành trình khám phá “nóc nhà thế giới” bỗng chốc biến thành cuộc chiến với thiên nhiên để giành giật sự sống; Life of Pi (2013, Cuộc đời của Pi) về cuộc vật lộn để sống sót trên đại dương bao la khi chỉ có một mình; Burried (2010, Chôn sống) với cách xử trí của nhân vật chính bị chôn sống; 127 hours (2010) kể về một nhà leo núi bị mắc kẹt ở hẻm vực suốt 5 ngày, phải tự vật lộn để cứu sống mình…
Phim đề tài sinh tồn cũng là “mảnh đất” để các diễn viên bộc lộ khả năng diễn xuất ấn tượng. The Revenant đã giúp Leonardo DiCaprio giành giải Oscar 2015 Nam chính xuất sắc sau 5 lần được đề cử. Nữ minh tinh Sandra Bullock nhận được đề cử giải Oscar 2013 Nữ chính xuất sắc cho phim Gravity (Cuộc chiến không trọng lực) nói về một nữ phi hành gia bị trôi dạt ngoài vũ trụ. Nữ diễn viên Brie Larson đoạt Oscar 2015 Nữ chính xuất sắc với phim Room kể về cuộc chiến của một phụ nữ bị bắt cóc, cưỡng hiếp, có thai, sinh con và bị cầm tù cùng cậu con trai trong một căn phòng suốt 7 năm trời.
|
Mạo hiểm làm Phan Dũng - Tà Năng
Chính vì sức hấp dẫn của dòng phim sinh tồn đã được chứng thực ở điện ảnh thế giới nên khán giả Việt Nam đang chờ đợi bộ phim đầu tiên thuộc thể loại này của điện ảnh Việt là Tà Năng - Phan Dũng sẽ chiếu rạp vào 16.10 tới. Tác phẩm mới nhất của Trần Hữu Tấn (từng làm phim kinh dị Bắc Kim Thang) được chính đạo diễn và một người bạn viết kịch bản, lấy cảm hứng từ nhiều vụ tai nạn đã xảy ra cho các phượt thủ trên cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng tuyệt đẹp nhưng đầy hiểm nguy. Nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ: “Tôi tin bất cứ ai yêu thích xê dịch, đam mê khám phá đều thấy tuổi trẻ của mình ở đâu đó trong câu chuyện tràn đầy nghị lực con người và đậm giá trị tình bạn này”. Nội dung phim xoay quanh nhân vật chính Kiên - một phượt thủ lạc đoàn, bị mắc kẹt trong rừng, phải tìm mọi cách để sinh tồn, kể cả ăn thịt sống, để tìm đường trở về.
Trong suốt thời gian quay phim vào mùa cỏ cháy (trưa nắng rát, tối khuya rét cắt da thịt) ở cung đường Tà Năng - Phan Dũng (dài 55 km, đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận), anh Đinh Nam, giám đốc hình ảnh của phim, cho biết chưa có phim nào các tay máy phải vất vả như thế, vì khi diễn viên treo mình trên vách núi hay vượt thác ghềnh thì quay phim cũng phải chạy và làm theo để bắt được từng chi tiết nhỏ. Để có thể đưa cảm giác chân thực nhất tới khán giả, diễn viên Huỳnh Thanh Trực (đảm nhận vai Kiên) đã ép cân xuống 5 kg trong vòng 1 tháng trước thời điểm khởi quay và trước ngày ghi hình còn được yêu cầu không ăn no (chỉ uống sữa), ngủ ít để có ngoại hình mệt mỏi, đói khát thật sự. Khi quay, diễn viên còn bị bắt đi bộ 3 km để có thần sắc của một người lạc trong rừng.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ: “Tôi tin thể loại phim sinh tồn do Việt Nam sản xuất sẽ hấp dẫn được khán giả Việt vì người xem thấy gần gũi hơn với cuộc sống của chính mình. Tôi hy vọng bộ phim sẽ tiến xa hơn đến các thị trường quốc tế khi được Skyline phát hành ở nước ngoài, để khán giả quốc tế sau khi xem sẽ trầm trồ với cảnh sắc Việt Nam và nhắc đến cung đường Tà Năng - Phan Dũng như là một địa danh phải đến trong hành trình khám phá tuổi trẻ, như những địa danh huyền thoại Kinabalu, Everest...”.
Bình luận (0)