Tờ The Times of Israel đưa tin ít nhất 2 người bị thương do một đợt rốc két từ Li Băng phóng đến khu vực TP.Nahariya ở miền bắc Israel vào ngày 24.10. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho hay có hơn 50 rốc két được phóng đến, trong đó một số quả gây ảnh hưởng tại nước này. Đợt tập kích diễn ra một ngày sau khi lực lượng Hezbollah ở Li Băng tuyên bố bắt đầu leo thang các cuộc tấn công vào Israel.
Israel tiếp tục ném bom Li Băng, Mỹ kêu gọi ngừng chiến
Bạo lực leo thang
Hezbollah tuyên bố tập kích một cơ sở quân sự của Israel ở vùng ven Tel Aviv bằng "tên lửa dẫn đường chính xác và đánh trúng mục tiêu", trong khi IDF cho biết đã đánh chặn 2 vật thể bay và không có thương vong hay thiệt hại tại cơ sở quân sự nào. Còi báo động không kích vang lên khắp miền trung và bắc Israel ngày thứ 2 liên tiếp, khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 23.10 phải tạm hoãn rời khỏi nước này trong một thời gian ngắn.
Trong thông cáo đưa ra ngày 24.10, IDF cho biết đã tập kích một số cơ sở sản xuất vũ khí của Hezbollah ở khu vực Dahiyeh phía nam Beirut (Li Băng). Truyền thông Li Băng đưa tin Israel tiến hành ít nhất 17 cuộc tập kích trong đêm, san bằng 6 tòa nhà trong khu vực và là đợt tấn công "bạo lực nhất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến".
Tại Dải Gaza, IDF cho hay "một số lượng lớn" người Palestine đã sơ tán khỏi phía bắc, nhưng chưa nêu con số. Theo CNN, lực lượng Israel hôm qua tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tại khu vực Jabaliya phía bắc Gaza và tuyên bố đã hạ hàng chục thành viên Hamas, bắt giữ hơn 200 nghi phạm khủng bố. Trong khi đó, các chuyên gia y tế và người dân Gaza cho hay 42 người thiệt mạng hôm 23.10 do Israel tăng cường tấn công.
Nguy cơ tồi tệ hơn
Đáng lo ngại, bạo lực lan sang Syria đang trong tình trạng báo động và có thể còn tồi tệ hơn, ảnh hưởng hòa bình và an ninh quốc tế, đặc phái viên LHQ tại Syria Geir Pedersen phát biểu trước HĐBA hôm 23.10. "Ngọn lửa xung đột đang bùng phát dữ dội tại lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Gaza, và tại Li Băng. Sức nóng còn lan đến Syria", ông cảnh báo. Bộ Quốc phòng Syria cáo buộc Israel không kích Damascus và Homs vào ngày 24.10 khiến một binh sĩ Syria thiệt mạng và 7 người khác bị thương. Israel chưa bình luận về vụ việc.
2 tay súng 'tấn công khủng bố' tập đoàn hàng không Thổ Nhĩ Kỳ, gây thương vong lớn
Syria còn chứng kiến đợt bạo lực khác, khi Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23.10 không kích tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở nước này và Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc PKK tấn công khủng bố tại Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara trước đó cùng ngày khiến 5 người thiệt mạng và 22 người bị thương. Lực lượng SDF do người Kurd dẫn đầu ở Syria cho hay đợt không kích khiến 12 dân thường thiệt mạng và 25 người bị thương. Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận về thông tin này.
Một diễn biến căng thẳng khác là việc Israel đang tính cách đáp trả sau khi bị Iran tấn công ồ ạt bằng tên lửa hôm 1.10. Tờ The Guardian hôm qua dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố kế hoạch không kích Iran sẽ "khiến thế giới hiểu về tiềm lực quân sự Israel". Iran trước đó dọa sẽ trả đũa mạnh mẽ hơn nếu Israel tấn công.
Nỗ lực tìm giải pháp
Ngoại trưởng Mỹ hôm qua đến Qatar, sau khi đến Israel và Ả Rập Xê Út trong chuyến công du nhằm tìm cách xuống thang xung đột. Ông Blinken cho hay đã trao đổi với giới lãnh đạo Israel "về tầm quan trọng của việc quyết định liệu Hamas có sẵn sàng tham gia hay không". Ông cho biết kế hoạch ngừng bắn giữa Hamas và Israel do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra hôm 31.5 vẫn còn trên bàn đàm phán, nhưng tỏ ý sẵn sàng thảo luận về "những bộ khung mới" để giải phóng hơn 100 con tin ở Gaza.
Về phía Hamas, thành viên cấp cao Mousa Abu Marzouk hôm 23.10 đến Moscow và gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov. Sau cuộc gặp, ông Marzouk cho hay Hamas muốn Nga thúc đẩy Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bắt đầu đàm phán về một chính phủ thống nhất quốc gia hậu Gaza.
WHO hoãn tiêm vắc xin bại liệt ở Gaza
Tờ The Guardian ngày 24.10 đưa tin Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay bạo lực leo thang tại bắc Gaza dẫn đến việc hoãn tiêm vắc xin bại liệt cho hơn 100.000 trẻ. Theo đó, giai đoạn thứ 3 của chiến dịch đã bị hoãn do tình hình chiến sự hiện tại khiến các gia đình không thể đưa trẻ đến tiêm vắc xin, cũng như các nhân viên y tế không thể làm việc. Đơn vị nhân đạo Cogat thuộc quân đội Israel cho hay chiến dịch tiêm vắc xin tại miền bắc Gaza sẽ bắt đầu trong vài ngày tới "sau đánh giá chung theo đề nghị" của WHO và UNICEF. Đợt 1 đã giúp tiêm vắc xin bại liệt cho khoảng 560.000 trẻ và đợt 2 tiêm cho hơn 590.000 trẻ ở Gaza, theo WHO.
Bình luận (0)