Theo bảng xếp hạng trực tiếp các thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới của Hãng IQAir, tính đến chiều 7.10, 3 thành phố của Đông Nam Á gồm Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia) và Singapore lần lượt xếp thứ 1, 2 và 4 với chất lượng không khí không lành mạnh. Nhà chức trách Singapore khuyến cáo người dân giảm các hoạt động thể chất kéo dài ngoài trời.
Nguyên nhân do đâu?
Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia Nik Nazmi Nik Ahmad trong tuần này đã gửi thư cho người đồng cấp Indonesia để phàn nàn về việc khói từ các đám cháy tại Indonesia bay qua biên giới, khiến chất lượng không khí nhiều vùng của Malaysia ở mức không tốt trong những ngày gần đây.
Theo Reuters, vào mùa khô mỗi năm, khói từ việc đốt đồng dọn đất ở các đồn điền dầu cọ, sản xuất giấy và bột giấy ở Indonesia bao trùm cả khu vực, gây đe dọa sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục và kinh doanh, du lịch, hàng không. Tại Indonesia, các chủ đồn điền quy mô nhỏ vẫn được phép đốt đồng với diện tích 2 ha nếu tuân thủ biện pháp phòng cháy. Theo luật của nước này, toàn bộ các chủ đồn điền quy mô lớn phải tuân thủ tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững và bị cấm đốt đồng. Tuy nhiên, lợi dụng lỗ hổng trong quy định, nhiều công ty lớn, trong đó có những công ty nước ngoài, đôi khi vẫn tránh được trách nhiệm cho việc đốt đồng trái phép.
Indonesia là nước xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, giúp mang lại nguồn thu đến 39,28 tỉ USD cho nước này trong năm 2022. Dù từng có hành động pháp lý đối với các công ty bị nghi đốt đồng trái phép nhưng mỗi năm, các vụ cháy vẫn tiếp diễn tại Indonesia với nhiều mức độ khác nhau.
Tại lãnh thổ của Indonesia trên đảo Borneo, tầm nhìn xa có thời điểm giảm xuống còn 10 m do khói mù. Trong khi đó, ở phía Malaysia, các trường học bị đóng cửa để giảm ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore hôm qua thông báo phát hiện 212 điểm nóng cháy rừng trên đảo Sumatra của Indonesia trong ngày 6.10, tăng hơn 3 lần so với ngày trước đó. Gió đổi hướng đã thổi khói mù về phía Singapore, làm suy giảm chất lượng không khí.
"Chúng tôi đã gửi thư thông báo đến chính phủ Indonesia và kêu gọi họ xử lý vấn đề này. Chúng tôi không thể tiếp tục coi tình trạng khói mù này như điều bình thường được nữa", Bộ trưởng Ahmad nói với Reuters hôm 5.10, nhấn mạnh rằng hầu hết các điểm nóng cho thấy những đám cháy xảy ra ở Indonesia. Bộ trưởng Môi trường Indonesia Siti Nurbaya Bakar ngày 6.10 nói cháy rừng đã giảm và không phát hiện khói mù bay sang nước láng giềng nào.
ASEAN hành động
Bộ trưởng Ahmad của Malaysia đã kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng hành động thông qua việc ban hành luật hoặc hiệp ước chung để ngăn khói mù, "bởi thiệt hại của tình trạng này đối với nền kinh tế, du lịch và đặc biệt sức khỏe người dân là vô cùng to lớn".
Trong một tuyên bố sau hội nghị tại Malaysia ngày 6.10, bộ trưởng nông nghiệp và lâm nghiệp của các quốc gia thành viên ASEAN thừa nhận "những tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe do tập quán đốt đồng" và cam kết cùng nhau giảm thiểu cũng như chấm dứt hoạt động này. "Hội nghị đã công nhận sự cần thiết của các giải pháp thay thế bền vững cho việc đốt đồng, bao gồm áp dụng các thực hành nông nghiệp sáng tạo và thân thiện với môi trường", Reuters trích dẫn tuyên bố.
Hội nghị cũng nhất trí xây dựng và thực hiện các chiến dịch giáo dục và chương trình đào tạo về thực hành nông nghiệp bền vững, cung cấp hướng dẫn kỹ thuật về các phương pháp thay thế trong việc làm sạch đất canh tác. Ngoài ra, ASEAN gần đây khởi động Trung tâm điều phối nhằm kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, giúp các thành viên ngăn chặn, giảm thiểu và theo dõi khói mù.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Theo giới chuyên gia, Indonesia đang trải qua mùa khô nghiêm trọng hơn trong năm nay do hiện tượng El Nino. Tổ chức Hòa bình xanh tại Indonesia cho hay khí hậu ấm lên đang làm gia tăng cường độ và tần suất của các đám cháy rừng, qua đó làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng khí hậu.
Bình luận (0)