Tương truyền, cụ Trần Cao Vân trước khi lên đoạn đầu đài đã viết trên tờ giấy quyến dùng để vấn thuốc và thuê đao phủ tên là Ngáo chuyển đến Thượng thư Hồ Đắc Trung nhờ ông này cứu mạng vua Duy Tân, đó là câu:
"Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt.
Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Miễn cho Thánh thượng sinh toàn".
Từ đó nhiều người cho rằng "Chính ông Học bộ Thượng thư Hồ Đắc Trung là một Cơ mật đại thần, phụ trách thảo án cũng chủ tâm cứu vua, nên đổ riệt cho Trần Cao Vân và Thái Phiên, vì vậy bản án có mấy câu "Cơm nếp Hà Trung, cháo gà núi Ngự".
Hồi ký cụ Lê Thanh Cảnh được cho là dẫn lại lời của Thượng thư Hồ Đắc Trung rằng: "Xét cho đúng lẽ phải, theo lời khai của các bị cáo thì vua chỉ vướng vào hai tội của tuổi trẻ: "Lên Ngự Bình ăn cháo gà, về đầm Hà Trung ăn cơm bắp". Tội trạng rành rành như thế kia lấy đâu ra tội tử hình mà luận án? Tôi quả quyết đề nghị chỉ vấn tội vua có thế thôi".
Từ đó, "cụ Hồ Đắc Trung quay mình sang bên, dõng dạc đọc cho quan Tham biện cơ mật là ông Đặng Ngọc Oánh, chép bản án đại ý là: Hai ông kia (là Trần Cao Vân và Thái Phiên) một ông xưng chỉ huy quân sự, một ông xưng đảm nhiệm ngoại giao, toàn là bọn giặc cỏ, làm nghịch xúi vua theo. Tình thực vua chỉ có tội về đầm Hà Trung ăn cơm bắp, lên núi Ngự Bình ăn cháo gà, để nên nỗi loan giá gặp bước phong trần!" (Lê Thanh Cảnh - Rời mái trường Quốc Học). Vậy có đúng ông Trung có công cứu mạng vua Duy Tân?
Trước hết, cần nói rõ liệu người Pháp có muốn giết vua Duy Tân hay không, trong thư của Hội đồng Tôn Nhơn phủ và Hội đồng Nhiếp chính của triều đình Huế gửi Toàn quyền Đông Dương đều thống nhất rằng: "Vua Duy Tân đã phản bội danh dự và lẽ phải, vì đã thiếu trách nhiệm đối với Tổ tiên cao quý của chính Ngài" và "dưới mắt của dân chúng, ông chỉ là một vị Hoàng tử nổi loạn chống lại luật pháp của xứ sở ông ta".
Về phần mình, từ Toàn quyền Đông Dương đến Khâm sứ Trung kỳ đều không hề nghĩ đến phải xử trảm hay đề xuất chính phủ Pháp phải tử hình vua Duy Tân. Khi bắt được vua Duy Tân, Toàn quyền Đông Dương lập tức dặn Khâm sứ Trung kỳ: "Trước khi tôi đến, yêu cầu ông hãy tôn trọng nhà vua" và "không ngừng săn sóc nhà vua!".
Khi được hỏi ý kiến nên trừng phạt vua Duy Tân thế nào, trừ ý kiến của Thượng thư Hồ Đắc Trung có tính trung dung, các vị còn lại đều lên án nhà vua, có vị còn nói rằng nếu để triều đình xử thì nhà vua chắc chắn sẽ chịu tội chết! Bởi "Vua Duy Tân đã phạm tội đại nghịch, đã lãng quên trọng trách đối với các tiên vương và các nhà chức trách bảo hộ. Đó là sự vong ân bội nghĩa đối với chính phủ bảo hộ".
Thực dân Pháp không dại gì lại đem trảm quyết vua Duy Tân, bởi chúng luôn nhắc nhở nhau rằng "xứ An Nam rất có truyền thống tôn trọng vua chúa", "không thể một ngày không có vua", nếu giết chết Duy Tân, chúng chắc chắn sẽ gánh lấy những hậu quả không lường.
Muốn biết Thượng thư Hồ Đắc Trung có công "cứu mạng vua Duy Tân" không, cần xem xét ông có vai trò gì trong quá trình điều tra, xét xử, từ ngày 7.5.1916, kết thúc ngày 16.5.1916.
Hội đồng xử án gồm 4 thành viên trực tiếp chỉ đạo điều tra xét xử do triều đình Huế lập ra, không hề có tên Hồ Đắc Trung thì làm sao ông có cơ hội để soạn thảo bản án, đó là chưa nói một thượng thư phụ trách bộ Học thì liên quan gì đến vấn đề trị an? Trong một văn bản chính quyền Nam triều gửi Toàn quyền Đông Dương ngày 10.5.1916 cho biết "Một Hội đồng thẩm vấn đã tiến hành công việc và phát hiện cuộc phiêu lưu này là tác phẩm của Trần Cao Vân và các người đồng mưu nhằm tạo nên rối loạn trong tâm trí mọi người. Chúng tôi nhận định rằng, đức vua Duy Tân đã phản bội danh dự và lẽ phải vì đã thiếu trách nhiệm đối với Tổ tiên cao quý của chính Ngài".
Trong số 39 vị thuộc hội đồng này, có tên của Thượng thư Hồ Đắc Trung nhưng ông không hề giữ vị trí gì trong việc điều tra, xét xử và ông là vị thượng thư mà Pháp ít tin tưởng nhất. Một báo cáo của Phủ Phụ chính (bằng cả Hán văn và Pháp văn) đề ngày 17.5.1916, cho biết 4 thành viên Hội đồng xử án gồm: Hoàng Quảng Phu - Tham tri bộ Hình, Võ Liêm - Thị lang bộ Binh, Ưng Ân - Thị lang bộ Hình, Tôn Thất Uyển - Ngự sử tại Viện Đô sát, dĩ nhiên không thể có tên Thượng thư Hồ Đắc Trung. Chính hội đồng này đã đưa ra Bản án ngày 16.5.1916, mà theo họ là đã căn cứ vào kết quả điều tra để nghị án: "Các tên Trần Cao Vân, Thái Phiên và đồng bọn đã can dự vào cuộc nổi loạn".
Việc thực dân Pháp không cố tâm giết vua Duy Tân được thể hiện khá rõ tại bản án ban hành vào ngày 17.5.1916: "Trần Cao Vân, một người từng bị tù đã được ân xá, không tự xét tình cảnh của mình. Biết vua Duy Tân còn nhỏ nên đã cùng với Thái Phiên tập hợp đồng đảng kéo đến kinh thành Huế". Bản án này do Chánh văn phòng mật thám Trung kỳ là Sogny dịch lại nguyên văn sang Pháp ngữ, đề ngày 17.5.1916, mà cả bản chữ Hán và Pháp không thấy có mấy chữ "cơm bắp", "cháo gà", "giặc cỏ" được cho là Thượng thư Hồ Đắc Trung đã có công "chèn vào"! (còn tiếp)
(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)
Bình luận (0)