Và chỉ mới bắt đầu khởi nghiệp được 10 tháng nhưng anh đã xuất được sản phẩm của mình ra nước ngoài.
Đau đáu với vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay
Anh Dương Ngọc Văn Long (33 tuổi, ngụ tại TP.HCM) xuất thân là kỹ sư hóa thực phẩm, tốt nghiệp ra trường làm cho rất nhiều công ty và tập đoàn đa quốc gia, vì thế anh có cơ hội đi công tác ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng cũng từ đây, cơ duyên đã đưa anh đến với con đường khởi nghiệp.
Anh Long kể: “Có thể gu ăn uống của mình hơi khác biệt một chút. Mình đi công tác nước ngoài khoảng 3 ngày thôi là đã muốn đi về rồi, vì nhớ món ăn Việt Nam. Mình thấy món ăn của người Việt cực kỳ ngon, nên muốn phát triển tinh hoa ẩm thực Việt Nam theo hướng tiện lợi”.
Nhiều người thích thú với sản phẩm của anh Long tại một phiên chợ tết mới đây |
Nữ Vương |
Và anh trăn trở: “Tuy rằng trên thị trường đã có nhiều sản phẩm tương tự, nhưng vì làm nhiều năm trong lĩnh hóa thực phẩm nên mình thấy vấn đề sức khỏe của con người rất quan trọng. Chúng ta bây giờ bị bệnh rất nhiều, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, nguyên nhân thì từ 2 con đường chính là ăn uống và hít thở. Vậy làm sao sản phẩm của mình vừa nhanh, vừa tiện, vừa ngon mà cũng đảm bảo được yếu tố an toàn cho sức khỏe?”.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong mảng hóa thực phẩm và đã làm qua rất nhiều phòng, ban, như: phòng nghiên cứu, phòng chất lượng, phòng sản xuất, nhập khẩu, bán hàng... và có nhiều cơ hội để thăng tiến trong tương lai nhưng anh đã quyết định dừng lại để khởi nghiệp với các dòng sản phẩm về gia vị.
Do có cơ hội đi công tác nhiều, anh Long nhận thấy ở nước ngoài dù vẫn có các món ăn Việt Nam và do chính người Việt nấu nhưng cũng không đúng hương vị như ở quê hương.
“Do ở nước ngoài để có được nguyên liệu đầy đủ, đặc biệt là gia vị đúng chuẩn hương vị Việt thì không dễ tìm, nên mình tạo ra những sản phẩm rất tiện lợi, đã hoàn chỉnh cả hương và vị, người dùng khi mua về chỉ cần bỏ vào là nấu. Ví dụ như bún bò, phở, hủ tiếu… thì mình có dạng túi, chỉ cần cắt ra, bỏ vào nước và đun sôi là thành một nồi nước lèo, không cần phải nêm nếm gì nữa”, anh Long mô tả về sự tiện lợi của những sản phẩm gia vị mà anh nghiên cứu và sản xuất.
Vì thế, đối tượng khách hàng chính mà anh hướng đến là Việt kiều trên khắp thế giới.
Anh Long và những “đứa con tinh thần” của mình |
Chinh phục các thị trường khó tính
Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2019, đến tháng 2.2022 anh Long đưa những sản phẩm đầu tiên ra thị trường. Hiện tại, thương hiệu Tri Kien Spices của anh Long có 6 sản phẩm chính yếu, trong đó có 5 loại xốt là: bún bò Huế, phở bò, hủ tiếu, lẩu thái, ướp đồ nướng và sa tế tôm. Tất cả các sản phẩm đều thực hiện bản tự công bố chất lượng sản phẩm và kiểm nghiệm định kỳ hằng năm, nhà xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018.
Sản phẩm của anh Long hiện đang phân phối tại nội địa thông qua các chuỗi bán lẻ, các trang thương mại điện tử. Sản phẩm cũng đã xuất khẩu chính ngạch đi thị trường Đức và đang đàm phán với các thị trường khó tính khác như: Pháp, Đan Mạch, Nhật Bản, Canada.
“Vừa rồi mình có tiếp một đối tác bên Nhật, đơn vị chuyên xuất những sản phẩm của Việt Nam sang Nhật. Họ tham khảo, tìm hiểu sản phẩm của mình và muốn đàm phán để phân phối độc quyền tại thị trường Nhật”, anh Long hạnh phúc chia sẻ.
“Sản phẩm chỉ mới tung ra thị trường được 10 tháng nhưng bằng cách nào anh đã chinh phục được những thị trường?”, chúng tôi thắc mắc. Anh Long lý giải: “Đầu tiên mình phải làm ra sản phẩm ngon, vì nếu có tốt mà không ngon thì sẽ không ai mua. Và đi kèm với ngon là phải đảm bảo được yếu tố tốt cho sức khỏe. Các sản phẩm của mình đáp ứng được những tiêu chuẩn này”.
Đầu tiên mình phải làm ra sản phẩm ngon, vì nếu có tốt mà không ngon thì sẽ không ai mua. Và đi kèm với ngon là phải đảm bảo được yếu tố tốt cho sức khỏe. Các sản phẩm của mình đáp ứng được những tiêu chuẩn này.
Mặc dù có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hóa thực phẩm, nhưng để cho ra đời được sản phẩm thực sự tốt thì cũng là hành trình đầy gian nan mà anh Long đã phải trải qua.
Anh kể: “Thời điểm ban đầu vô cùng khó khăn, làm ra sản phẩm toàn bộ là hư hết. Bởi vì cực kỳ khó để nghiên cứu, mất 2 năm ròng rã mới bắt đầu ổn định và mình đã phải đổ bỏ không biết bao nhiêu sản phẩm trước đó. Quan điểm của mình khi làm ra sản phẩm thì điều kiện bảo quản thông thường là tối ưu, chứ bảo quản trong tủ lạnh thì không tiện lợi. Nên khi đưa ra tiêu chí như thế này, cộng thêm những yêu cầu về độ ngon nên sản phẩm ban đầu làm ra không được như ý muốn, lúc chỉnh được độ ngon thì lại chưa thể bảo quản ở điều kiện thường. Và mình phải điều chỉnh rất nhiều lần mới ra được thành phẩm như hiện tại”.
Anh Long cũng cho biết khi đã nghiên cứu được sản phẩm, việc tìm kiếm đơn vị gia công cũng gặp rất nhiều khó khăn. Quy trình sản xuất này khác biệt hoàn toàn so với những sản phẩm hiện có trên thị trường, nên những đối tác gia công cũng rất khó tìm.
“Chính vì thế, lúc đó mình nghĩ đến việc tự xây dựng nhà máy, nhưng mới bắt đầu cũng chưa có nhiều tiền nên mình quyết tâm tự tay thiết kế nhà máy bao gồm cả máy móc, dây chuyền và tất cả mọi thứ… sau đó đưa cho các nhà thầu để thi công”, anh Long kể.
Đánh giá cao sự tâm huyết khởi nghiệp của anh Long, bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp của BSA, nhìn nhận: “Long làm rất có tâm, tôi đã đến xưởng của Long, quy trình sản xuất đạt chuẩn, nguồn nguyên liệu rõ ràng. Mặc dù hai vợ chồng còn trẻ nhưng rất chịu khó tìm nguồn nguyên liệu tốt nhất để làm nên những sản phẩm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các bạn biết tìm phân khúc thị trường, lúc bắt đầu các bạn biết thâm nhập vào những thị trường nhỏ để tìm khách hàng, tìm người tiêu dùng trước. Nếu định vị được thì sản phẩm sẽ đứng vững trên thị trường và sẽ có rất nhiều cơ hội trong tương lai”.
Bình luận (0)