Khởi nghiệp ăn uống vượt 'bão'

22/06/2020 07:40 GMT+7

Cuộc sống đã trở về trạng thái bình thường mới, tuy nhiên tình hình kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống (F&B) vẫn chưa trở về rực rỡ như thời gian trước. Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đang tìm cách vượt 'bão' khó khăn.

Nhiều nơi vẫn “cửa đóng then cài”

Con đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM vốn được coi là thiên đường ăn uống tại TP.HCM với cửa hàng san sát đủ loại thương hiệu. Trong dịch Covid-19, rất nhiều cửa hàng tại đây trả mặt bằng. Ngày 16.6, khi chúng tôi khảo sát trên con đường này, rất nhiều tiệm đồ ăn, uống vẫn cửa đóng then cài, ở ngoài dán giấy “cho thuê mặt bằng”. Trên đường Trần Quang Khải, Q.1, nhiều tiệm trà, cà phê lớn cũng trong tình cảnh tương tự.
Khu dân cư Trung Sơn, H.Bình Chánh, TP.HCM vốn là địa điểm ăn uống sôi động, nhất là buổi tối, nhưng trong khoảng gần 2 tháng qua, nơi này yên ắng hơn, nhiều tiệm cà phê, đồ nướng, lẩu phải đóng cửa.
Chị Trần Leica, 35 tuổi, chủ tiệm cà phê Sài Gòn Xưa (120 đường 9A), cho biết chị có 2 tiệm cà phê tại khu Trung Sơn nhưng hiện tại chỉ thu về 1 tiệm. Chị cho hay: “Doanh thu có giảm đi một chút do thói quen của một bộ phận khách hàng thay đổi, vì đã qua một thời gian cách ly xã hội ở nhà, tự nấu nướng, tự phục vụ nên vẫn duy trì thói quen đó. Xung quanh đây, nhiều quán đóng cửa. Không chỉ cà phê, ăn uống mà các phòng vé máy bay cũng trả mặt bằng”.
Anh Hoàng Việt, 31 tuổi, chủ thương hiệu Laha Coffee với hơn 100 cửa hàng ở TP.HCM, Lâm Đồng, Đắk Lắk, cho biết sau dịch Covid-19, tâm lý người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm. Theo quan sát của anh, nhiều cửa hàng lĩnh vực ăn uống bị đóng cửa sau dịch, chưa thể phục hồi.
Chị Đỗ Ngọc Bích, 29 tuổi, chuyên viên tư vấn marketing F&B tại VN, cho biết: “Việc đóng cửa không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp khởi nhiệp. Nhiều đơn vị lớn, kinh doanh lâu năm cũng bị ảnh hưởng và về lý thuyết thì chuỗi càng lớn, hệ thống kinh doanh càng cồng kềnh, đồ sộ thì khả năng thích ứng linh hoạt sẽ càng khó. Sau dịch, nhiều người bị ảnh hưởng mất việc, giảm lương thì sẽ thắt chặt chi tiêu, tự nấu ăn uống tại nhà”, chị Bích nói.
Khởi nghiệp ăn uống vượt 'bão'1

Một tiệm trà ở đường Trần Quang Khải, Q.1 đóng cửa

Cùng nhau vượt “bão”

Thay đổi cách quản trị, làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp túi tiền, đưa đến tận tay người tiêu dùng là cách nhiều bạn trẻ khởi nghiệp đang áp dụng. Anh Hoàng Việt cho hay thời gian này anh tập trung phát triển những cửa hàng đang có cho tốt, không ồ ạt nhân rộng quy mô. Các điểm bán cà phê mang đi bên đường và các thùng cà phê trên xe máy bán ở các quận trong thành phố được anh Hoàng Việt duy trì từ trong dịch tới hiện nay để cà phê tới khách hàng được tiện, nhanh nhất. Anh cũng đưa trà sữa với giá phải chăng từ 18.000 - 25.000 đồng/ly vào thực đơn.
Chị Vũ Thị Hữu Nghĩa, chủ thương hiệu cà phê Kết Nối tại Đà Lạt, cho hay kinh nghiệm vượt “bão” của chị lúc này là “không tăng giá sản phẩm, đẩy mạnh giao cà phê tận nhà, tiếp tục đầu tư vào không gian quán, nâng cao chất lượng phục vụ để tăng sức cạnh tranh, đãi ngộ tốt nhân sự để giữ chân nhân viên có kinh nghiệm”.

Cơ hội vàng tìm lại mặt bằng

Trong khó khăn, thấy cơ hội - đó là quan niệm của nhiều nhà khởi nghiệp hiện đại. Chị Trần Leica cho biết lúc này nhiều cửa hàng trả mặt bằng do kinh doanh khó khăn chính là lợi thế của những người kinh doanh khác, sẽ có cơ hội tìm thuê được mặt bằng tốt hơn, chủ nhà ưu đãi nhiều hơn.
Anh Lê Quốc Thạch, 31 tuổi, chủ thương hiệu bánh mì Kebab Torki với 200 cửa hàng/ki ốt/xe đẩy các tỉnh thành, cho biết sau dịch Covid-19, kinh doanh đồ ăn/uống mang đi sẽ khởi sắc hơn. Bản thân anh đã phát triển thêm một số ki ốt/xe đẩy nhượng quyền.
“Tâm lý người mới khởi nghiệp cũng không tập trung vào phân khúc nhà hàng lớn, đồ sộ do vốn quá lớn, thu hồi chậm, rủi ro cao. Tại một số ki ốt, tôi cũng bán thêm sản phẩm mới như gà rán, xôi chiên để tăng thêm doanh thu”, anh Thạch nói. Theo anh Thạch, để vượt “bão” khó khăn sau dịch Covid-19, các bạn trẻ cần ứng biến nhưng phải lắng nghe suy nghĩ, tâm tư, mong muốn của khách hàng để thay đổi.
Trong khi đó, chuyên viên tư vấn marketing F&B Đỗ Ngọc Bích cho rằng: “Các bạn khởi nghiệp F&B, thứ nhất cần đánh giá lại đối thủ, tâm lý tiêu dùng và hành vi của khách hàng thay đổi như thế nào. Sau đó, đánh giá món của mình, về giá, cách bán hàng, dịch vụ, nhân viên, địa điểm còn phù hợp không. Sau khi xem xét kỹ thì thay đổi một phần hoặc nhiều phần. Có thể đổi menu, lên combo, chuyển sang bán giao tận nhà, chuyển đổi địa điểm để cắt giảm chi phí, thay đổi chiến lược marketing từ diện rộng sang “du kích”, truyền miệng. Với hệ thống lớn, có thể xem xét thu hẹp quy mô, cắt lỗ”, chị Bích tư vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.