Cộng đồng khởi nghiệp VN và các nước Đông Nam Á đứng trước cơ hội thu hút vốn từ các các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới.
Chuỗi cà phê The Kafe ở Hà Nội, một công ty khởi nghiệp vừa được rót vốn 5,5 triệu USD - Ảnh: Công ty cung cấp |
Với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở một số nước Đông Nam Á như VN, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, cơ hội thành công đang mở ra nhiều hơn cho cộng đồng khởi nghiệp (startup) ở các thị trường này. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm để mắt tới khu vực Đông Nam Á.
Nói nôm na thì các nhà đầu tư mạo hiểm (venture capitalists) chính là cha mẹ đỡ đầu cho các công ty khởi nghiệp, vì họ cung cấp vốn cho các công ty ở giai đoạn khởi động tăng trưởng ban đầu. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong khu vực Đông Nam Á đạt con số 1,04 tỉ USD vào năm 2014, tăng 5 lần so với con số 205 triệu USD vào năm 2012, theo Hãng nghiên cứu thị trường Preqin.
Singapore là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm toàn cầu. Quốc gia này có cộng đồng khởi nghiệp đông đảo và thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm lớn nhất khu vực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ với tham vọng trở thành “thung lũng Silicon” mới của châu Á.
Dù không thể so sánh với Singapore, VN cũng đang cố gắng để bắt kịp các thành viên ASEAN phát triển hơn như Malaysia hay Thái Lan trong việc thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. IDG Ventures Việt Nam, quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất ở VN, hiện quản lý hơn 100 triệu USD và đã rót vốn đầu tư vào hơn 40 công ty khởi nghiệp kể từ khi được thành lập vào năm 2004, theo tờ Nikkei Asian Review của Nhật. Trong số những công ty khởi nghiệp đó, đã có những tên tuổi trở nên quen thuộc với người tiêu dùng VN như Apollo Việt Nam, VC Corp, Vietnamworks, Vinabook, VinaGame…
Ngoài IDG và một số ít các quỹ đầu tư đã có mặt từ vài năm trước, các nhà đầu tư mạo hiểm mới cũng đang bước chân vào thị trường VN. Mới đây, cộng đồng startup VN nức lòng trước thông tin The Kafe, chuỗi cửa hàng cà phê “hot” nhất của giới trẻ Hà Nội, nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD (khoảng 130 tỉ đồng) từ Quỹ Cassia Investment của Hồng Kông và một số nhà đầu tư mạo hiểm của Anh.
500 Startups, quỹ đầu tư lớn tại thung lũng Silicon của Mỹ, hồi tháng 8 cũng chính thức thiết lập hoạt động ở VN và cho đến nay đã rót vốn vào 8 công ty khởi nghiệp. Với việc có thêm hai thành viên người Việt, quỹ này thông báo danh mục đầu tư của mình ở VN sẽ có thêm 20 công ty trong một năm tới. Lozi, một ứng dụng di động để gọi món ăn online, cũng vừa nhận vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan.
Cần khung pháp lý
Môi trường thân thiện với nhà đầu tư là một điều kiện rất quan trọng để thúc đẩy các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn vào các công ty khởi nghiệp, tạo ra hàng chục ngàn việc làm mới. Tuy nhiên, việc tạo ra môi trường đó không phải dễ dàng. “Thung lũng Silicon có toàn bộ hệ thống vốn, quản lý, nhân tài, các dịch vụ pháp lý. Còn ở VN, bạn phải tự mình tìm ra mọi thứ", ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyễn), Giám đốc điều hành IDG Ventures Việt Nam, người từng làm việc cho nhóm phụ trách công nghệ của Goldman Sachs tại New York, nói với tờ Nikkei Asian Review.
Điều kiện tiên quyết nhất là phải có luật và các quy định rõ ràng để quản lý các vấn đề như giao dịch thương mại, hợp đồng, đầu tư chứng khoán và tuyển dụng, đồng thời phải có các tổ chức cũng như nhân sự hành chính, tư pháp để thực thi chúng. Khuôn khổ pháp lý này sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và đồng thời quản lý chặt chẽ các công ty khởi nghiệp. Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có khung pháp lý đầy đủ nhất.
Riêng với VN, đầu tư mạo hiểm còn gặp nhiều khó khăn do chưa có khung pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các quỹ. Các nhà đầu tư khi vào VN vướng nhiều thủ tục, từ lúc đăng ký đầu tư cho đến lúc thoái vốn.
Một tin vui đã đến với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là Nghị định số 118/2015/NĐ-CP (ban hành ngày 12.11.2015 và có hiệu lực từ ngày 27.12.2015) hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đầu tư đã quy định những ngành nghề đặc biệt ưu đãi, trong đó có ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao.
Bộ KH-ĐT cũng đã bắt tay nghiên cứu và rà soát các chính sách hiện tại để đánh giá các vướng mắc trong hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, từng bước cắt giảm các thủ tục và thời gian cho hoạt động đầu tư này nhằm xây dựng môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp. Cơ hội đang mở ra cho cả hai bên: các nhà đầu tư mạo hiểm toàn cầu lẫn cộng đồng startup VN, với khoảng 1.000 công ty mới gia nhập thị trường mỗi năm trong nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm tới.
Golden Gate đầu tư ứng dụng di động Lozi
Công ty cổ phần Lozi Vietnam vừa nhận đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures và Tập đoàn DesignOne Japan, một công ty truyền thông internet tại Nhật Bản.
Số tiền đầu tư không được tiết lộ, nhưng được biết lên đến cả triệu USD. Lozi là một ứng dụng di động đang phát triển tại thị trường VN, cung cấp giải pháp tìm kiếm món ăn ngon, hàng quán phù hợp cho người dùng khi họ cần.
Các nhà đầu tư sẽ thúc đẩy sự phát triển của Lozi, trong đó có việc mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á, đưa đến cho người dùng nhiều trải nghiệm có giá trị hơn thông qua ứng dụng di động và website. Tính đến tháng 11, số lượng người đăng ký sử dụng Lozi lên đến con số 500.000.
H.Sương
|
Bình luận (0)