Khởi nghiệp lĩnh vực trực tuyến: Cơ hội nhiều nhưng không phải ai cũng nắm được

02/12/2020 07:12 GMT+7

Xu hướng trực tuyến được đánh giá rất tiềm năng, nhất là trong và sau dịch Covid-19 thì cơ hội ở lĩnh vực này càng cao. Thế nhưng, có một thực tế là không phải ai khởi nghiệp về trực tuyến cũng thành công.

Hãy nhìn nhận đúng đắn về thế giới trực tuyến

Trao đổi về vấn đề này, anh Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của Công ty cổ phần Tiki, cho biết ở Việt Nam các công ty khởi nghiệp về trực tuyến cũng thuộc dạng nhiều nhất trong khu vực, khoảng 3.000 công ty. Theo anh Sơn, không thành công phần nhiều là do người sáng lập.
“Người sáng lập chọn thị trường nhỏ quá, mọi người nói Việt Nam thị trường lớn nhưng theo mình Việt Nam thị trường rất nhỏ so với những thị trường tỉ đô như Ấn Độ và Trung Quốc. Làm khởi nghiệp phải tăng trưởng nhanh trên một thị trường lớn, nếu bạn chọn một thị trường nhỏ thì câu chuyện đóng cửa hoặc không tăng trưởng nổi là chuyện sớm muộn thôi”, anh Sơn nhìn nhận.
Chị Lê Diệp Kiều Trang, Chủ tịch AREVO Việt Nam, phân tích do bạn trẻ chưa có cái nhìn nghiêm túc về thế giới trực tuyến. Chị Trang cho rằng thế giới trực tuyến cái đẹp của nó là tính kết nối. Trong tích tắc có thể kết nối với hàng triệu người hoặc cả tỉ người, điều đó đúng, nhưng cứ nghĩ nó là thế giới mà chỉ cần tạo ra một cái ứng dụng là mọi người đổ xô lên dùng và tự dưng nó kết nối, là không đúng!
“Vì các bạn đã không nghiêm túc nghiên cứu về thế giới trực tuyến. Người ta đạt được đến đó không phải tự dưng có cả triệu view (lượt xem) hoặc một triệu user (người dùng), mà đó là hành trình rất nghiêm túc để xây dựng một mô hình kinh doanh như vậy. Nên cũng không ngạc nhiên khi trong thế giới trực tuyến nhiều người phá sản. Thế nhưng, không phải thế giới trực tuyến là không hấp dẫn, chẳng qua là có quá nhiều người đổ xô đi đào vàng thành ra sẽ có người phải về tay trắng”, chị Trang nhìn nhận.

Quan trọng là mình làm gì ?

Vừa làm về khởi nghiệp vừa giảng dạy về các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, anh Trần Thanh Tùng cũng nhìn nhận: “Ai cũng thấy được tiềm năng của thị trường nên đổ xô vào. Nhưng kinh doanh trực tuyến cũng giống như bất kỳ loại hình kinh doanh nào khác, không phải là có theo xu hướng hay không, mà quan trọng là mình làm cái gì, sản phẩm của bạn có tốt không, dịch vụ có tốt không? Cơ hội thì rất nhiều nhưng không phải ai cũng có đủ trình độ, kinh nghiệm và thái độ để nắm bắt được cơ hội tốt nhất có thể”, anh Tùng nhấn mạnh.
Anh Tùng cho biết khi nhắc đến kinh doanh trực tuyến thì phải nhắc đến các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc phát triển kinh doanh trực tuyến trên sàn thương mại điện tử không phải là kỹ năng dễ dàng và đơn giản mà ai cũng có thể làm được.
Theo anh Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, dịch bệnh mở ra nhiều cơ hội cho thế giới trực tuyến, tuy nhiên, dịch bệnh cũng làm cho tình trạng thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm sút… thì việc cắt giảm chi tiêu là tất yếu, điều đó dẫn đến quy mô thị trường giảm một cách nghiêm trọng. Cho nên việc kinh doanh trực tuyến cũng chịu những tác động tiêu cực đó, đặc biệt là những công ty làm dịch vụ trực tuyến chuyên phục vụ cho các doanh nghiệp truyền thống thì dịch Covid-19 cũng để lại hậu quả nặng nề và bằng chứng là trong thời gian qua có rất nhiều công ty chuyên về trực tuyến đã phá sản.
“Một ví dụ cụ thể là lĩnh vực bán lẻ ăn uống, khi dịch bệnh xảy ra hầu hết quán xá, cửa hàng đều đóng cửa, việc này kéo theo các ngành liên quan, nhà cung cấp, nhân công, phần mềm… cũng đều bị ảnh hưởng. Khi tài lực không đủ mạnh để duy trì qua giai đoạn khủng hoảng thì phá sản là điều khó tránh khỏi. Chỉ có một số ít doanh nghiệp dịch vụ trực tuyến áp dụng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, từ đó kiến tạo nên phương thức kinh doanh hoàn toàn mới, đem lại hiệu quả thiết thực thì giai đoạn dịch bệnh này mới có bước tăng trưởng nhảy vọt như các mảng thanh toán không dùng tiền mặt, hội họp trực tuyến…”, anh Hiếu chỉ ra.
Anh Hiếu cho rằng khởi nghiệp đã là một thách thức và khởi nghiệp ở giai đoạn dịch bệnh càng thách thức hơn. Với những bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh mô hình trực tuyến trong giai đoạn này thì cần cẩn trọng khảo sát kỹ thị trường, lĩnh vực ngành nghề, sản phẩm dự định kinh doanh, có chiến lược marketing rõ ràng và nên đầu tư ở mức hợp lý về nguồn lực, đưa định phí kinh doanh về mức thấp và quản lý rủi ro về tài chính cho thật tốt.
“Để doanh nghiệp phát triển thì việc đầu tiên là cần đưa doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn và trong khó khăn phải nhận ra những cơ hội dù là nhỏ nhất để tạo dựng thành công”, anh Hiếu gửi gắm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.