Khởi nghiệp sống xanh

04/02/2019 08:00 GMT+7

Nơi ở của vợ chồng Michael Burdge và Julia Mesner luôn có chậu cỏ bàng tươi xanh được nâng niu đặt giữa không gian phòng khách. Ít người biết rằng, gia đình “chồng Mỹ - vợ Pháp” này đang khởi nghiệp gắn liền với những cây cỏ bàng ấy...

Michael, người Mỹ, năm nay 34 tuổi. Vợ anh - Julia, 32 tuổi, người Pháp. Sau khi “đã trở thành 3 với sự bổ sung mới tuyệt vời của cậu con trai Sebastien Miles”, gia đình Michael thuê căn hộ để lưu trú trong những tháng ngày đến TP.HCM lập nghiệp.

Bước ngoặt cơ duyên

Michael và Julia vừa thuê văn phòng làm việc ở Q.1 để tiếp tục triển khai dự án khởi nghiệp Zero Waste Saigon nhằm góp phần tích cực trong việc giảm rác thải nhựa. Với Zero Waste Saigon, đôi vợ chồng trẻ này đề ra nhiều phần việc để tập trung thực hiện: làm phân compost để thu gom rác thực phẩm từ các nhà hàng và sử dụng nó để trồng cây; giúp các doanh nghiệp phát triển ống hút tái chế của riêng mình; phát triển một hệ thống để loại bỏ nhựa trong việc giao nhận thực phẩm mà không tăng chi phí cho các nhà hàng…
Michael đến TP.HCM khởi nghiệp với sản phẩm đặc biệt: ống hút cỏ bàng ẢNH: ĐÌNH PHÚ
Michael đến TP.HCM khởi nghiệp với sản phẩm đặc biệt: ống hút cỏ bàng ẢNH: ĐÌNH PHÚ
“Ở Việt Nam, rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đó là nỗi ám ảnh thực sự! Kể từ khi chúng tôi đi du lịch Việt Nam vào dịp Giáng sinh 2017, chúng tôi nhận thấy nhựa sử dụng phổ biến ở khắp mọi nơi. Chỉ mỗi việc uống cà phê, ở nhiều nơi, cà phê được đựng trong ly nhựa, đậy nắp nhựa, kèm ống hút nhựa, thậm chí cái bọc bên ngoài cũng bằng nhựa”, Michael chia sẻ và rất hy vọng về dự án khởi nghiệp của mình: “Mỗi khi tôi bàn về rác thải nhựa, có rất nhiều phản hồi tích cực và nhiều người muốn tham gia cùng chúng tôi”.

Bén duyên… cỏ bàng

Lúc cùng tôi nhâm nhi tách cà phê, Michael cứ với sang chậu cỏ bàng đặt ở phòng khách. Chuyện trò cùng Michael, tôi dần hiểu được lý do vì sao “chàng Tây” nâng niu loại cỏ đó như thế.
Bước đầu dự án Zero Waste Saigon tạo ra bộ dụng cụ sinh hoạt gia đình như ống hút, đũa, muỗng, hộp đựng thực phẩm, túi xách... bằng vật liệu tái chế, hoặc dễ phân hủy. Thế nhưng, ống hút cỏ bàng là sản phẩm đặc biệt nhất trong bộ dụng cụ thân thiện môi trường mà Michael và Julia nỗ lực phát triển. Từ thân cây cỏ bàng ở lưu vực sông Mê Kông, Michael đặt hàng nông dân thu hái, cắt khúc, sơ chế đảm bảo hợp vệ sinh, được bảo quản kỹ lưỡng trong môi trường lạnh để có thể sử dụng thay thế ống hút nhựa.
Michael chia sẻ: “Nhựa sử dụng một lần ở Việt Nam đã trở thành một vấn đề vô hình lan rộng mỗi ngày. Chúng tôi cố gắng góp phần thay đổi điều đó. Ống hút cỏ bàng là mục tiêu bền vững của Zero Waste Saigon. Thay đổi thói quen này là bước đầu tiên và nhỏ nhất chúng tôi có thể làm với kỳ vọng giúp mọi người có thể dễ dàng loại bỏ ống hút nhựa mà không cần phải quá cố gắng”.
Michael và Julia chia sẻ nhiều niềm vui vì dự án khởi nghiệp mang lại những kết quả bước đầu. Nhóm Zero Waste Saigon “nói không với rác thải nhựa” sau vài tháng hoạt động công khai trên mạng xã hội đã thu hút được hàng ngàn thành viên. Đặc biệt, sản phẩm ống hút cỏ bàng đang là sự lựa chọn thường xuyên của nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó có hơn 40 nhà hàng, khách sạn ở TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, Phú Quốc... Michael và Julia càng vui hơn khi có những đối tác ở Mỹ, Malaysia, Thái Lan… đặt hàng ống hút cỏ đặc biệt này.
Vượt “nửa vòng trái đất” đến TP.HCM bán… ống hút từ cỏ, nhưng thật ra đó là nghề tay trái của vợ chồng này. Michael vốn là chuyên gia marketing về bất động sản, sở hữu công ty riêng. Còn Julia từng làm việc cho chính phủ Mỹ để thúc đẩy du lịch ở Mỹ. Cả hai chưa tự đi xe máy được, chưa nói được tiếng Việt nhưng đều rất tự tin khi lập nghiệp ở TP.HCM, bởi họ có sự hưởng ứng tích cực của mọi người.

“Vũ khí” bí mật

Michael và các cộng sự đang tích cực thu thập 100.000 ống hút nhựa phế thải, kêu gọi sự tài trợ “để biến đổi những vật thể xấu xí đó thành những biểu tượng đẹp dẫn đến hành động của cộng đồng”. “Đây là “vũ khí bí mật” của Zero Waste Saigon. Chúng tôi đã liên lạc với nghệ sĩ quốc tế tài danh Von Wong và anh ấy đã bày tỏ sự quan tâm đến việc cộng tác với chúng tôi. Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt từ ống hút nhựa phế thải sẽ chạm vào cảm xúc của mọi người, giúp tạo ra cuộc trò chuyện và trở thành tia sáng mà chúng ta cần để thúc đẩy Việt Nam vào một nền kinh tế xanh thịnh vượng”, Michael bày tỏ.
Michael bảo rằng người Việt hồi xưa cái gì cũng tự làm ra, rửa đi, sử dụng lại nhiều lần, nhưng giờ đây có nhiều lúc lại quên lãng những vấn đề thủ công vốn dĩ thuộc về nét truyền thống. “Làm ống hút từ cỏ, tre…, thật ra không phải là mới, mà là quay lại những tháng ngày xưa cũ, quay lại với lối sống thân thiện môi trường”, Michael nói.
Michael và Julia đã tiên phong “kể” câu chuyện ống hút từ cỏ trên hành trình khởi nghiệp. Tôi nói với Michael: “Để có môi trường sống xanh quanh mình, có lẽ tôi phải cố gắng thay thế tất cả thói quen sử dụng nhựa bằng các tùy chọn bền vững hơn”, và Michael vui vẻ: “Ồ! Tại sao không?”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.