Khải từng trải qua nhiều công việc, từ nhân viên bán bảo hiểm, tiếp thị sơn tường rồi làm phu hồ xách vữa bôn ba khắp các quận nội thành trước khi về quê học làm nấm. Nghề này ở xã Hiền Ninh có từ những năm 90. Thời điểm ấy, trồng nấm được xem như mô hình xóa đói giảm nghèo, chính quyền các cấp vào cuộc mời cán bộ, chuyên gia về hướng dẫn. Nhưng cây nấm cực kỳ nhạy cảm với thời tiết, không phải ai trồng cũng được “ăn”. Sau vài năm phát triển rầm rộ, nhiều hộ thất bại đành bỏ nghề. Giữa lúc thoái trào, Khải cất công tìm gặp từng hộ thành công và thất bại, gặng hỏi chi tiết cách làm, kinh nghiệm chăm sóc nấm. Khi kiến thức thu thập kha khá, Khải bắt đầu thử sức, tự tay dựng một gian nhà bằng rơm rạ, nứa lá xung quanh, mua giống mày mò trồng nấm. Khởi nghiệp với số tiền gần 1 triệu đồng để mua giống, ngay mùa vụ đầu tiên, “nồi” nấm đẻ ra tiền, cho thu nhập ổn định theo ngày.
Trồng nấm không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Khi mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm, có vụ Khải thiệt hại cả chục triệu đồng chỉ vì cơn gió độc hay “nồi” nguyên liệu hấp chưa sạch vi khuẩn. Kiên trì với nghề này, Khải đang tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với mức lương từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng. Trang trại hiện tại có nguồn thu tương đối ổn định, mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 200 - 500 kg nấm, với giá khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Nhìn lại hành trình lập nghiệp, Khải cho rằng, thành quả lao động hôm nay bắt đầu từ những “kế hoạch nhỏ”. Sau mỗi vụ thu hoạch nấm, Khải dành tiền mua từng bao xi măng, vài “kiêu” gạch..., đủ vật liệu thì khởi công xây nhà xưởng. Gần 8 năm làm theo cách này, khu trang trại nay đã được xây kiên cố, nhà xưởng đủ dùng. Khải cũng đang dành dụm tiền mua máy điều hòa nhiệt độ, dàn phun nước tự động, tiến tới chuyên môn hóa và công nghiệp hóa nghề trồng nấm, hạn chế rủi ro khi thời tiết thay đổi bất thường.
Phan Hậu
Bình luận (0)