Khởi nghiệp từ hoa sen trắng cổ Huế

21/05/2020 09:59 GMT+7

Sau thất bại từ những lần bán đặc sản của Huế , chị Phạm Thị Diệu Huyền không bỏ cuộc, tiếp tục nung nấu ý định với hoa sen trắng cổ đặc trưng của vùng đất Huế.

Khởi nghiệp lại từ sen

Cũng như nhiều bạn trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Huế, năm 2003, chị Phạm Thị Diệu Huyền, 36 tuổi (P.Tân Thành, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) vào TP.HCM học tập và làm việc. Chị học ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Sau 7 năm mưu sinh nơi xứ người cùng với nhiều kinh nghiệm tích luỹ, chị quyết định trở về quê hương khởi nghiệp.
Ba năm trước, chị Huyền bắt đầu làm việc bằng nhiều nghề khác nhau, như bán các mặt hàng quà tặng cho khách du lịch, kinh doanh quán cà phê, bán các sản phẩm đặc trưng của xứ Huế... Tuy vậy, những lần kinh doanh này của chị đều chưa thành công.

Chị Diệu Huyền đích thân xuống hồ sen để tìm hiểu cách trồng loại sen trắng

Sau 2 năm, chị Diệu Huyền lại quay lại với đặc sản Huế một lần nữa. Lần này là tranh làng Sình, dòng tranh dân gian nổi tiếng bậc nhất xứ Huế. Chị áp dụng tranh làng Sình xứ Huế vào bao bì các loại sản phẩm đặc trưng. Từ màu sắc tranh làng Sình chị phát thảo thêm những bức tranh phong cảnh xứ Huế trên bao bì của mình.
“Tôi mang văn hóa của Huế vào bao bì cho khách du lịch cảm nhận được đất và con người xứ Huế. Năm ngoái tôi được giải A khởi nghiệp do Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế trao tặng. Sau đó tôi vẫn giữ thương hiệu Mộc Truly Huế để tiếp tục thử nghiệm nhiều sản phẩm đặc sản khác. Trong đó tôi bắt đầu với hoa sen”, chị Diệu Huyền chia sẻ
Đầu năm 2019, chị Huyền chọn hoa sen để khởi nghiệp lại. Ban đầu chị chỉ gia công sen cho người khác. Tuy vậy, theo lý giải của chị: “Cơ duyên khi tôi gặp được những người có chuyên môn, tôi xin được hỗ trợ tìm lại giống sen trắng. Thêm nữa khi đi ngang một hồ nước thấy toàn bèo, còn mình thiếu chỗ trồng sen, nên tôi đã mạnh dạn thỏa thuận với chủ hồ thuê người vớt bèo trồng sen trắng".

Áp dụng công thức của hoàng cung 

Được sự hỗ trợ, chị Huyền trồng thành công loại sen trắng đặc trưng của Huế. Chị Huyền nói thêm: “Hoa sen trắng dường như chỉ thích hợp với thổ dưỡng ở Huế. Sen trắng có năng suất thấp so với sen hồng, nhưng bù lại nó có sắc, hương và hàm lượng dinh dưỡng cao”.

Loại sen trắng cổ Huế được sấy khô

Gặp khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp là điều tất yếu, và chị Huyền cũng không ngoại lệ. Những ngày đầu, chị phải lội bùn trồng sen, vớt bèo, dầm mưa dãi nắng, bị lỗ vốn..., dù khó khăn nhưng chị vẫn không nản lòng, vẫn tiếp tục theo đuổi việc trồng sen.
Để có được thành phẩm trà sen chị Huyền phải gặp nhiều chuyên gia, đọc nhiều sách về hoàng cung và thử nhiều công thức pha chế. Sen trồng và được ướp trực tiếp ngay tại hồ, từ đó mang vị ngọt thanh, hương thơm nhẹ nhàng từ những búp hoa trà tươi và chất lượng. Trà được ướp một cách tỉ mỉ cùng với nhụy sen, giữ kín trong cánh hoa và lá. Trung bình một tiếng chị Huyền có thể ướp được 6 bông sen, mỗi ngày làm chỉ được 2 tiếng.

Chị Huyền còn áp dụng công nghệ sinh học vào chế biến sen

Hiện tại, các sản phẩm về sen của chị Huyền đã có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. “Tôi làm từ chất lượng sen Huế ở Huế. Người mua đúng tại vườn, hoa sen tại hồ”, chị Huyền nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.