Tuy nhiên, phần lớn thành quả ấy lại nằm trong tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
XK giày dép của VN liên tục gia tăng trong các năm qua, từ mức 8,4 tỉ USD năm 2013 lên 14,65 tỉ USD năm 2017. VN cũng đang đứng thứ hai trong nhóm 10 nước XK giày dép lớn nhất trên thế giới. Năm qua, VN đã XK được hơn 1 tỉ đôi giày trong tổng số hơn 27 tỉ đôi giày dép các loại XK trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, các DN FDI luôn đóng vai trò lớn trong XK giày dép các loại của VN. Cụ thể, trong số 14,65 tỉ USD tổng trị giá XK nhóm mặt hàng này trong năm qua thì XK của các DN FDI đã là 11,78 tỉ USD, chiếm 80,4%. Đáng chú ý, tỷ trọng này đã giữ ổn định qua nhiều năm như 2016 là 80,6%, năm 2015 là 79,5%, năm 2014 là 76,6% và năm 2013 là 76,5%. Năm qua, cả nước có 863 DN XK giày dép, tăng 15% so với số lượng DN XK mặt hàng này trong năm trước đó. Mặt hàng giày dép của VN hiện đã được tiêu thụ tại hơn 100 thị trường trên thế giới.
Trong khi lượng XK ra thế giới phần lớn thuộc DN nước ngoài thì ở nội địa, các DN trong nước cũng không nắm được thị phần. Theo một thống kê từ Hiệp hội Da giày VN, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 40%. Số lượng còn lại tràn ngập thị trường là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, các sản phẩm hàng nhái, hàng giả các thương hiệu lớn trong và ngoài nước cũng được tiêu thụ công khai. Ngoài việc không thể cạnh tranh về thiết kế mẫu mã, chi phí sản xuất của nhiều DN trong nước cũng khó cạnh tranh được hàng nhập khẩu vì khả năng tự động hóa thấp, năng suất lao động không cao và hơn 50% nguyên phụ liệu da giày vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Do khó cạnh tranh được ngay trên thị trường nội địa nên đa số những DN có quy mô lớn thường chọn giải pháp an toàn là tập trung sản xuất hàng XK, còn sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho DN nhỏ và vừa hoặc các cơ sở gia công.
Bình luận (0)