Khôi phục du lịch Quảng Bình

06/02/2017 16:00 GMT+7

Đó là quyết tâm mà Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong chia sẻ trong những ngày đầu năm mới 2017.

Thời khắc khó khăn
Có thể nói, du lịch Quảng Bình đang lên như diều gặp gió thì bỗng chốc “gió ngưng đột ngột” khiến cánh diều lao như xe xuống dốc không phanh.
Đó là sự so sánh khi nói về bối cảnh du lịch tỉnh này vào năm 2016 với ảnh hưởng rất nghiêm trọng từ sự cố môi trường biển gây ra.
Theo tổng kết của Sở Du lịch Quảng Bình, tất cả các hoạt động du lịch từ kinh doanh dịch vụ, hình ảnh điểm đến, việc làm của người lao động, môi trường đầu tư du lịch trên địa bàn... đều bị ảnh hưởng và gây thiệt hại vô cùng to lớn.
Ngoài ra, những tác động do lũ lụt liên tiếp vào những tháng cuối năm cũng đẩy du lịch Quảng Bình đối diện với nhiều khó khăn dẫn đến hoạt động du lịch trong năm 2016 không được ổn định và giảm sút nhiều chỉ tiêu, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực khác.
Tổng lượt khách du lịch 1,99 triệu, giảm 29,35% so với năm 2015 và giảm 43% so với kế hoạch năm 2016; trong đó khách quốc tế khoảng 60.000 lượt, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng doanh thu du lịch giảm 30% so với năm 2015 và giảm 46% so với kế hoạch năm 2016 (tổng doanh thu du lịch thiệt hại ước tính 1.800 tỉ đồng).
Để khắc phục sự cố, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình, các đơn vị hoạt động du lịch đã có những động thái như giảm 30% phí tham quan động Phong Nha, Tiên Sơn và động Thiên Đường đến hết năm 2016 cho khách du lịch có lưu trú tại Quảng Bình; các khách sạn đồng loạt giảm giá phòng từ 20-40%, các nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch thực hiện giảm từ 10-20% giá thực đơn niêm yết đến hết năm 2016; giảm giá dịch vụ lưu trú và ăn uống đến 50% theo giá niêm yết, có cơ sở lưu trú giảm 100% cho các đoàn cứu trợ lũ lụt.
Thế nhưng du lịch vẫn khôi phục rất chậm. Ngoài sự cố môi trường biển, lũ lụt thì du lịch Quảng Bình đang tồn tại những nguyên nhân khác như tính mùa vụ, sản phẩm du lịch còn ít, thụ động trong liên kết và chưa đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch hạn chế tính mùa vụ như du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh, du lịch cộng đồng...
Thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, hàng lưu niệm, trạm dừng nghỉ và các dịch vụ hỗ trợ phục vụ khách; thiếu các cơ sở lưu trú cao cấp, công ty lữ hành quốc tế, các nhà hàng đạt chuẩn, xe ô tô đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch.
Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch hiện tại có quy mô vừa và nhỏ, tự phát, năng lực cạnh tranh yếu, chưa đủ sức vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn mang tính đơn lẻ, tự phát, hiệu quả chưa cao.
Khôi phục như thế nào?
Năm 2017, Sở Du lịch Quảng Bình xác định phải phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, phấn đấu đón 3 triệu lượt khách, trong đó 80.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 3.000 tỉ đồng.
Để đạt được kế hoạch, Sở Du lịch đề ra các giải pháp như đẩy mạnh các hoạt động, giải pháp nhằm khắc phục sự cố môi trường biển; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và nâng cao sức cạnh tranh.
Theo ông Hồ An Phong, cần tiếp tục nâng cao chất lượng các khu, tuyến, điểm du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh như chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới; hang Va - hang Nước Nứt, rào Thương - hang Én, khám phá hệ thống hang động Tú Làn - hang Tiên, động Thiên Đường, động Phong Nha, động Tiên Sơn, suối Nước Moọc, vườn thực vật, sông Chày - hang Tối.
Đồng thời nghiên cứu và phát triển thêm các tuyến, điểm du lịch mới như tuyến du lịch động Thiên Đường - Giếng Trời, thung lũng Sinh Tồn - xuyên hang Tối 6.000 m, khai thác thử nghiệm tuyến du lịch khám phá thiên nhiên thung lũng Ha Ma Đa - hang Trạ Ang, mở rộng tuyến rào Thương - hang Én đến hang nước Lạnh góp phần từng bước xây dựng Quảng Bình trở thành kinh đô du lịch mạo hiểm của Đông Nam Á.
Ngoài ra, khảo sát khai thác tuyến du lịch trải nghiệm thác Tam Lu, điểm du lịch khe Nước Trong (H.Lệ Thủy), suối Tam Cấp (H.Quảng Trạch), hồ Rào Đá (H.Quảng Ninh) và các khu du lịch nghỉ dưỡng khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, xây dựng các sản phẩm du lịch trường quay bộ phim Kong: Skull Island…
Cũng theo Sở Du lịch Quảng Bình, những giải pháp trong thời gian tới là: tập trung quảng bá, quảng cáo về du lịch Quảng Bình tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế.
Xúc tiến mở đường bay nội địa Đồng Hới - Cát Bi (Hải Phòng), mở đường bay quốc tế Đồng Hới - Chiềng Mai (Thái Lan). Tổ chức các chương trình famtrip, presstrip của các hãng lữ hành lớn, hãng hàng không trong nước, quốc tế, báo chí đến khảo sát điểm đến Quảng Bình.
Ngoài ra, sẽ tổ chức lễ hội hang động Quảng Bình vào tháng 6; tổ chức chương trình quảng bá du lịch Quảng Bình trong lòng Hà Nội với chương trình ca nhạc đặc biệt “Quảng Bình trong câu hát” tại Nhà hát lớn Hà Nội, chương trình tìm hiểu khám phá hang động và các hoạt động liên quan tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm; đăng cai địa điểm tổ chức cuộc thi Hoa hậu vì Hòa bình thế giới; phối hợp tổ chức lễ hội cá trắm và đua thuyền trên sông Son, lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, lễ hội chùa Hoằng Phúc...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.