Khơi thông đường thủy cho ĐBSCL

08/01/2022 07:19 GMT+7

Tàu lớn không thể qua cửa Định An vào sông Hậu thực sự là một điểm nghẽn quá lớn gây ách tắc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản xuất khẩu, kìm hãm sự phát triển của cả ĐBSCL.

Đây cũng là một trong những nội dung đáng chú ý liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Cần Thơ mà Chính phủ trình Quốc hội (QH) tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của QH khóa XV đang diễn ra.

Bốc dỡ gạo từ xà lan trung chuyển lên tàu hàng tại cảng Mỹ Thới, An Giang

Đình Tuyển

Có 8 cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho TP.Cần Thơ được đưa ra trong dự thảo, trong đó có nội dung chính sách ưu đãi cho các dự án nạo vét luồng Định An, sông Hậu cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP.Cần Thơ. Đây được xem là vấn đề không chỉ của TP.Cần Thơ mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cả ĐBSCL, bởi khi luồng Định An được khơi thông cũng đồng nghĩa với việc vận chuyển hàng hóa nông sản của ĐBSCL bằng đường thủy sẽ được thông suốt.

Cơ hội cho cảng và xuất khẩu

Ông Lê Tiến Công, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Cần Thơ (đơn vị chủ quản cảng Cái Cui, cảng Hoàng Diệu), cho biết hiện nay tàu vào sông Hậu có 2 luồng thì cả hai đều không thể tiếp nhận những tàu có trọng tải lớn từ 10.000 tấn trở lên. Cụ thể, luồng chính là kênh Quan Chánh Bố chỉ đi được một chiều, còn luồng Định An là luồng phụ nhưng bồi lắng tự nhiên khiến tàu lớn cũng không thể vượt qua. “Nhiều năm nay, chỉ có những phương tiện thủy, tàu biển, xà lan từ 3.000 tấn trở xuống lưu thông qua luồng Định An. Trong khi tàu từ 3.000 tấn đến dưới 10.000 tấn phải qua kênh Quan Chánh Bố nhưng kênh lại chỉ có thể đi một chiều nên thời gian chờ đợi của các tàu là rất lâu”, ông Công nói.

Chi phí vận chuyển đường vòng càng đẩy lên cao thì người chịu thiệt nhiều nhất là nông dân. Vì vậy hơn ai hết, chúng tôi rất chờ đợi vào quyết sách của Quốc hội.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ, hằng năm Bộ GTVT đều bố trí kinh phí để nạo vét luồng Định An nhưng kết quả không được như mong muốn bởi nguồn kinh phí quá ít, chỉ 30 - 40 tỉ đồng. “Vì vậy, rất cần có những cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án nạo vét khơi luồng Định An. Chắc chắn sẽ là một cú hích thực sự không chỉ cho Cần Thơ mà cho cả miền Tây”, ông Dũng nói.

Luồng Định An được khơi thông, sông Hậu sẽ có thể đón những con tàu hàng lớn hơn đủ khả năng đáp ứng xuất khẩu trực tiếp từ ĐBSCL đi các nước trong khu vực

ĐÌNH TUYỂN

Cũng chính vì tắc nghẽn ngay cửa sông, nên nhiều năm qua, vận tải hàng hóa cũng như hàng chục cảng trên tuyến sông Hậu phát triển rất hạn chế so với tiềm năng cũng như yêu cầu kỳ vọng của địa phương. “Việc Chính phủ trình QH xem xét chính sách ưu đãi cho các dự án nạo vét luồng Định An, sông Hậu cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào sông Hậu là đề xuất rất quan trọng cho ĐBSCL. Bởi miền Tây rất cần có 2 luồng tàu đi song song vào sông Hậu. Nó không chỉ giúp tàu hàng ra vào an toàn hơn mà hơn hết có thể làm tiền đề để xuất khẩu trực tiếp hàng hóa nông sản từ ĐBSCL”, ông Lê Tiến Công nói.

Năm 2021, sản lượng hàng hóa xuất khẩu qua Công ty CP Cảng Cần Thơ đạt 1,7 triệu tấn, trong đó chỉ có khoảng 30% xuất khẩu trực tiếp nước ngoài, chủ yếu Đông Nam Á, Trung Quốc. Tuy nhiên, trong danh mục những mặt hàng xuất khẩu trực tiếp trên thì mặt hàng chủ lực của ĐBSCL như gạo rất khiêm tốn, chỉ đạt gần 175.000 tấn, thủy sản, trái cây vắng mặt bởi cảng không thể tiếp nhận các tàu container lớn chuyên dụng.

Theo ông Lê Tiến Công, việc tàu lớn không thể vào sông Hậu không chỉ gây tốn thêm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mà còn kìm hãm sự phát triển của các DN chuyên ngành vận tải thủy. Hiện tại, dù chi phí vận tải đường thủy chỉ bằng 70% chi phí đường bộ nhưng thời gian giao hàng kéo dài, nhiều rủi ro lên xuống hàng, trễ tàu. Vì vậy, các DN vẫn phải lựa chọn đường bộ có chi phí cao, nhưng thời gian giao hàng nhanh hơn.

Trong khi đó, các cảng cũng không thể đầu tư, phát triển, khi mà tàu lớn không thể vào. Chẳng hạn, khi đầu tư dàn bốc xếp công nghệ tiên tiến, nhưng sản lượng hàng hóa không đủ, cảng sẽ không phát huy hết, thậm chí chưa kịp hoàn vốn, công nghệ bốc xếp đã lạc hậu. “Những khó khăn này sẽ có thể giải quyết nếu luồng Định An được khơi thông”, ông Công nói.

Chi phí có thể giảm một nửa

Theo ông Phạm Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Phạm Nghĩa (Cần Thơ), khơi thông luồng Định An đủ khả năng cho tàu lớn vận chuyển hàng hóa xuất trực tiếp không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn cho cả TP.Cần Thơ, khi kim ngạch xuất khẩu của TP chắc chắn sẽ được nâng lên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV (Vĩnh Long), cho hay gạo Việt xuất khẩu chủ yếu qua 2 thị trường chính là Trung Quốc và Philippines, trong đó hơn 40% đi Philippines.

Vì vậy, nếu luồng Định An được khơi thông, cảng ở Cần Thơ có thể phát triển thì chắc chắn DN xuất khẩu gạo có thể xuất thẳng sang Philippines thay vì đi đường vòng như bây giờ. Hiện nay để xuất khẩu gạo, công ty của ông phải vận chuyển nhiều chặng, trước tiên là thuê xe kéo container xuống cảng Vĩnh Long rồi lại thuê xà lan chở lên cảng Cát Lát (TP.HCM) bốc dỡ qua tàu lớn rồi xuất đi. Mỗi tấn gạo, công ty của ông tốn chi phí vận chuyển khoảng 400.000 đồng. Nếu luồng tàu lớn vào được Cần Thơ, xuất khẩu trực tiếp ngay tại chỗ thì chi phí vận chuyển nói trên sẽ giảm đi 200.000 đồng/tấn. Như vậy, có thể thấy mỗi năm ĐBSCL xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, số tiền mà DN như Phước Thành IV phải tốn cho vận chuyển đi xa là rất lớn.

“Chi phí vận chuyển đường vòng càng đẩy lên cao thì người chịu thiệt nhiều nhất là nông dân, bởi DN cũng chỉ là trung gian mà thôi. Vì vậy hơn ai hết, chúng tôi rất chờ đợi vào quyết sách của QH”, ông Thành nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.