Khởi tố 2 cựu giáo viên ĐH Sư phạm Hà Nội liên quan lộ đề thi THPT 2021

10/06/2022 21:51 GMT+7

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án xảy ra tại Bộ GD-ĐT liên quan vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Ngày 10.6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ GD-ĐT, đồng thời khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Phạm Thị My (59 tuổi), nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội; khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cứ trú đối với ông Bùi Văn Sâm (73 tuổi), nguyên giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng để điều tra về tội danh nêu trên.

Khởi tố 2 cựu giáo viên trường ĐHSP Hà Nội trong vụ "đề thi giống nhau bất thường"

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, việc khởi tố vụ án và các bị can nêu trên là căn cứ kết quả điều tra xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Các chuyên gia từng chỉ ra nhiều câu hỏi trùng hợp giữa đề thi tốt nghiệp môn sinh và buổi tổng ôn của thầy Nghệ

Tuệ nguyễn

Trước đó, Thanh Niên phản ánh, từ tháng 7.2021, ông Phan Khắc Nghệ, Hiệu phó Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, bị tố cho học sinh ôn luyện môn Sinh trùng 85% nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Đến tháng 8.2021, Bộ GD-ĐT đã ra Quyết định số 171/QĐ-BGDĐT thành lập tổ công tác liên ngành xác minh vụ việc.

Tổ công tác đã có biên bản chi tiết về sự việc. Theo đó, đánh giá các câu hỏi trong 4 mã đề thô xuất ra từ máy tính được tổ ra đề môn Sinh học lựa chọn cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề đều trùng nhau theo thứ tự các câu tương ứng và khác biệt hẳn với các câu hỏi trong 12 mã đề không được chọn. Đây là điều bất thường vì nếu tổ hợp đề được chọn ngẫu nhiên từ máy tính không thể có hiện tượng này.

Đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của ông Nghệ cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của ông Nghệ có sự trùng lặp rất lớn.

Cụ thể, trong tổng số 40 câu của từng mã đề thô được chọn có 39 câu trùng (chiếm tỷ lệ 97,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của ông Nghệ. Trong số 39 câu trùng nói trên thì có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%); riêng câu 81 chỉ trùng với mã đề 210; câu 105 trùng hoàn toàn với mã đề 210 và 212, trùng một phần với 2 mã đề 211 và 213.

Đặc biệt, có một câu về diễn thế sinh thái (câu số 106 đề thô được chọn) có cả 4 mã đề là câu ra ngoài chương trình với dạng đồ thị chưa từng có trong sách giáo khoa. Tuy vậy, câu hỏi này cũng được xuất hiện trong video của ông Nghệ.

Đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề duyệt chốt với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của ông Nghệ cho thấy có sự trùng lặp rất lớn. Cụ thể, tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng, chiếm 92,5% với các câu trong nội dung ôn tập của ông Nghệ.

Dù Bộ GD-ĐT có thông tin "đã cho xác minh, làm rõ" nhưng sự việc rơi vào im lặng từ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đến nay. Trong khi kỳ thi vẫn được Bộ GD-ĐT đánh giá "thành công", "an toàn".

Đến cuối tháng 12.2021, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an cho biết phối hợp với Bộ GD-ĐT xác minh dấu hiệu lộ, lọt đề thi THPT qua hoạt động ôn thi ở Hà Tĩnh, và bước đầu đã phát hiện vi phạm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.