* Bắt giam Phó tổng giám đốc và nguyên Tổng giám đốc Vinalines
Trước đó, ngày 17.5, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với các ông Mai Văn Phúc (ngụ ở Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc Vinalines và ông Trần Hữu Chiều (ngụ ở Q.Đống Đa, TP.Hà Nội), Phó tổng giám đốc Vinalines, cũng về hành vi trên.
Chiều 18.5, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết cơ quan này vừa nhận được văn bản thông báo của Cơ quan điều tra Bộ Công an về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với những người nói trên. “Cơ quan điều tra cho biết những người này bị khởi tố vì những việc họ làm sai từ thời còn lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam”, ông Hùng cho hay.
|
Nguy cơ mất hơn 23.000 tỉ đồng
Trong thời gian 2007 - 2010, HĐQT Vinalines đã xem xét thông qua chủ trương đầu tư góp vốn thành lập một số doanh nghiệp chứng khoán, bất động sản nhưng thiếu các thông tin về mức cổ tức dự kiến, lợi nhuận, phương án sản xuất kinh doanh nên không đủ cơ sở đánh giá tính khả thi về việc thu hồi vốn, khả năng sinh lời của vốn đầu tư. Vốn đầu tư vào Công ty CP chứng khoán Thủ đô vượt quy định 2,18%. Ông Dũng và ông Phúc cũng chịu trách nhiệm chính trong khoản nợ kéo dài không thu được của 5 công ty con thuộc công ty mẹ có nguy cơ dẫn đến mất 23,062 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo của Vinalines cũng có trách nhiệm với khoản lỗ của 3 cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải lên tới 252 tỉ đồng tính đến hết năm 2010. Ông Dũng với tư cách Chủ tịch HĐQT và ông Phúc là Tổng giám đốc Vinalines cũng quyết định đầu tư cảng Cái Cui giai đoạn 2, cầu cảng Ba Ngòi không phù hợp nhu cầu thực tế, dự án lại sử dụng vốn vay thương mại dẫn tới không đủ trả gốc và lãi vốn vay đầu tư.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (vũng Đầm Môn, vịnh Vân Phong, Khánh Hòa) có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 6.177 tỉ đồng, do Công ty mẹ - Vinalines - là chủ đầu tư. Dự án khởi công từ 31.10.2009, tuy nhiên thời điểm khởi công Vinalines chưa tìm được nguồn vốn đầu tư. Lễ khởi công dự án được làm rầm rộ. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngoài việc không tìm được nguồn vốn, địa chất khu vực phức tạp, tính toán dự báo trọng tải tàu tiếp nhận không phù hợp… khiến dự án rơi vào tình trạng chậm tiến độ, lãng phí vốn. Ông Chu Quang Thứ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN, cho biết thời điểm lập phương án đầu tư dự án cảng Vân Phong, các cảng tương ứng trong khu vực đều tiếp nhận tàu có trọng tải từ 12.000 TEU trở lên, nhưng theo tính toán ban đầu của Vinalines, cảng Vân Phong chỉ tiếp nhận tàu 9.000 TEU. Điều này dẫn tới khi dự án đi vào triển khai, bản thân Vinalines đã phải đề xuất điều chỉnh giai đoạn khởi động, kéo dài hai bến tàu để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 12.000 - 15.000 TEU.
Chủ đầu tư là Vinalines đã không khảo sát cơ sở sản xuất vật liệu trong nước và đơn giá cọc ống thép để làm căn cứ lập, thẩm định và phê duyệt, làm tăng dự toán gói thầu lên 94,2 tỉ đồng. Việc thiết kế không chính xác về chiều dài cọc (thừa từ 2 - 10 m/cọc, với đơn giá khoảng 10 triệu đồng/m/cọc) gây lãng phí hàng tỉ đồng.
Trong quá trình triển khai dự án, HĐQT Vinalines đã lập hồ sơ chọn thầu tư vấn giám sát thi công 2 gói thầu rồi mới báo cáo Bộ GTVT, thực chất là hợp thức hóa việc “chỉ định” thầu vượt thẩm quyền. Hợp đồng và quản lý hợp đồng với nhà thầu của Vinalines có nhiều sơ hở, dẫn đến sẽ tranh chấp với nhà thầu về giá nhập 544 cọc và nguy cơ mất 146 tỉ đồng tiền tạm ứng thực hiện hợp đồng.
|
Bộ GTVT đình chỉ công tác ông Dũng, ông Phúc
Một trong những sai phạm lớn tại Vinalines là việc đầu tư mua ụ nổi No83M thuộc dự án Xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam. Dự án được HĐQT Vinalines phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 6.2007. Trong dự án, hạng mục mua, lắp đặt 1 ụ nổi cũ có sức nâng 25.000 tấn có mức đầu tư dự kiến ban đầu là hơn 14 triệu USD, bao gồm chi phí sửa chữa tại nước ngoài và chi phí vận chuyển về VN. Tuy nhiên, khi đưa về, ụ nổi này được xác định là đã sử dụng 43 năm, vượt 28 năm so với quy định và hư hỏng phải mất nhiều tiền để duy tu sửa chữa. Đến tháng 9.2011, tổng chi phí mà chủ đầu tư bỏ ra cho ụ nổi No83M đã bị “đội” lên thành 489,6 tỉ đồng (tương đương 26,3 triệu USD), bằng 70% giá đóng ụ nổi mới nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác.
Hôm 18.5, Bộ GTVT đã ra Quyết định số 1110/QĐ-BGTVT về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải, để phục vụ công tác điều tra. Bộ cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Mai Văn Phúc, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, căn cứ thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Cùng ngày, Đảng ủy Bộ GTVT có quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Dương Chí Dũng, Bí thư Đảng ủy Cục Hàng hải VN và quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng với ông Mai Văn Phúc. Cũng hôm qua, Vinalines đã ra quyết định đình chỉ công tác và đình chỉ sinh hoạt Đảng với ông Trần Hữu Chiều, Phó tổng giám đốc.
Ông Mai Văn Phúc từng có hai năm ở cương vị Tổng giám đốc Vinalines dưới thời ông Dương Chí Dũng làm Chủ tịch HĐQT. Sau đó, ông Phúc được điều chuyển sang làm trợ lý cho Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, rồi chuyển về làm Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ GTVT). Ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8.2005. Cuối năm 2006, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinalines. Đến tháng 7.2011, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV Vinalines và đến đầu tháng 2 năm nay thì thôi chức này để chuyển sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải. |
Thái Sơn - Mai Hà
>> Bắt nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines
>> Vinalines hạ kế hoạch xuống 68.000 tỉ
>> Vinalines nóng vội trong đầu tư đội tàu
>> Vinalines báo lỗ thành lãi
>> Vinalines đã “nhấn chìm” bao nhiêu tiền?
Bình luận (0)