Khối trường công an lần đầu tuyển sinh riêng, học sinh chuẩn bị gì ?

01/03/2022 06:00 GMT+7

Chọn kỳ thi đánh giá năng lực của các trường công an , học sinh cuối cấp cần thay đổi kế hoạch ôn luyện và tìm cách giải quyết những bất cập phát sinh.

Năm 2022, công tác tuyển sinh vào các trường Công an nhân dân có nhiều điểm mới cần lưu ý, một trong số đó là sự thay đổi về phương thức tuyển sinh, khi không còn áp dụng điểm học bạ THPT mà dùng bài thi đánh giá năng lực do Bộ Công an lần đầu tổ chức (chiếm 60% tổng điểm) kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm 40% tổng điểm).

Bài thi đánh giá sẽ được tổ chức thi trong 1 buổi, diễn ra sau khi thí sinh (TS) thi tốt nghiệp THPT 2022, với 2 phần trắc nghiệm và tự luận. Phần trắc nghiệm có nội dung tương ứng với môn học theo tổ hợp xét tuyển và phần trắc nghiệm kiểm tra tư duy logic, các năng lực cần thiết với ngành công an. Phần tự luận thí sinh lựa chọn một trong 2 nội dung văn học, nghị luận xã hội hoặc giải toán.

Sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân đón tiếp tân sinh viên trúng tuyển năm 2021

HV CSND

Ủng hộ phương thức mới

Đăng ký vào Học viện Cảnh sát nhân dân (Hà Nội), Mạc Triệu Ngân (lớp 12, Trường THPT chuyên Bắc Kạn, TP.Bắc Kạn), chia sẻ thời lượng học trực tuyến chiếm tỷ lệ đáng kể trong 3 năm học vừa qua, cùng với đó là sự chênh lệch giữa các địa phương khiến phương thức lấy điểm học bạ có nhiều bất cập.

Nhận được thông tin phải tham dự kỳ thi riêng, dù lo lắng khi thông báo đưa ra khá muộn nhưng Ngân vẫn ủng hộ vì xem đây là cơ hội công bằng cho các TS. “Ngành công an vốn đòi hỏi nhiều yêu cầu nên phương thức này sẽ tuyển được những học viên tốt nhất, cũng như giúp TS nâng cao khả năng xử lý tình huống đặc thù của ngành”, Ngân khẳng định.

Phạm Lê Anh Đức (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP.HCM) cũng ủng hộ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực độc lập. “Công tác coi thi của trường công an chắc chắn sẽ được quản lý chặt chẽ và đề sẽ minh bạch, rõ ràng hơn”, Đức cho hay.

Có niềm đam mê với tiếng Anh, Nguyễn Duy Anh (19 tuổi, TS tự do ngụ TP.Huế) chọn ứng tuyển vào ngành ngôn ngữ Anh của Học viện Quốc tế thuộc Bộ Công an (Hà Nội), sau khi trượt nguyện vọng Học viện An ninh nhân dân vào năm trước.

“Em cũng ủng hộ phương thức mới vì cho rằng điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng đầu vào, nhưng sợ phải đến tận trường thi khi tình hình dịch bệnh tại Hà Nội còn căng thẳng. Em lo điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình làm bài”, Duy Anh nói.

Thay đổi để thích ứng

Do đang ôn thi hoàn toàn theo hình thức trắc nghiệm nên Triệu Ngân khá e ngại bài tự luận, cũng như yếu tố tư duy logic. “Điều này đòi hỏi em phải chuyển hướng ôn thi đa dạng hơn, lập kế hoạch “chinh phục” hai điểm yếu này để đạt kết quả tốt nhất”, nữ sinh nói và cho biết hy vọng đề trắc nghiệm sẽ bám sát những kiến thức đã ôn, phần tự luận gần gũi với những vấn đề quen thuộc của đời sống.

Nguyễn Duy Thành (Trường THPT Lê Lợi, tỉnh Thanh Hóa) cũng chia sẻ vì lâu nay được thầy cô định hướng học thi trắc nghiệm nên khá bối rối khi nhận thông tin phải làm đề tự luận toán.

Cùng chung lo lắng về phần thi logic, Duy Anh cho rằng sẽ khó trả lời đúng câu hỏi vì không thể bao quát phạm vi nội dung. “Những chủ đề liên quan đến ngành như cách xử lý khi gặp cướp, mô tả loại súng đặc thù hay vấn đề chính trị đều khiến em lo ngại”, nam sinh nói. Để bổ sung kiến thức, Duy Anh ôn mọi kiến thức có thể, đồng thời theo dõi, nắm bắt những vấn đề thời sự trong và ngoài nước trên các báo.

Với Anh Đức, quá trình ôn tập không bị ảnh hưởng nhiều vì nội dung thi nằm trong tổng quan kiến thức đang luyện đề. Dù thế, Đức cho biết sẽ gặp khó khăn khi trình bày bài tự luận vì “viết khá cẩu thả”, dù đã dành nhiều thời gian rèn chữ.

Nam sinh mong muốn đề sẽ được thực hiện hoàn toàn dưới hình thức trắc nghiệm; bên cạnh đó, mở thêm phương thức xét điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT như các năm trước để gia tăng cơ hội xét tuyển.

Đặt nguyện vọng vào Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, mối lo lớn nhất của Nguyễn Trường Khải (Trường THPT Trần Quốc Toản, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) là mất nhiều thời gian đi xe đò từ Đồng Tháp đến địa điểm tổ chức thi tại TP.HCM, với khoảng 3 tiếng di chuyển.

“Vì lần đầu tổ chức nên cũng khó lường trước được mức độ khó dễ. Gây nhiều áp lực nhất là ở phần thi tư duy logic. Đến tận tháng 3, 4 mới có đề mẫu tham khảo cũng khá “sát nút”, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ ôn tập của em”, nam sinh nói.

Nhận định phương thức này sẽ có tỷ lệ chọi khá cao nên Viết Vi (Trường THPT Phan Châu Trinh, TP.Đà Nẵng) chọn ứng tuyển bằng phương thức 2 (xét chứng chỉ quốc tế) với chứng chỉ tiếng Trung HSK và dự kiến nộp hồ sơ vào các năm sau.

Nữ sinh chia sẻ: “Em đặt nguyện vọng vào Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, khoa ngôn ngữ Trung, và sẽ song song ôn tập HSK tại trường và trung tâm luyện thi. Em đặt mục tiêu đạt được HSK 5 trước 2 năm để ứng tuyển vàoTrường ĐH Cảnh sát nhân dân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.