Nông dân khốn đốn phá bỏ vườn thanh long

01/03/2022 06:50 GMT+7

Thời tiết không thuận lợi ngay từ đầu năm đã khiến nhiều loại nông sản như tiêu, điều, cà phê bị giảm năng suất.

Cửa khẩu Trung Quốc ách tắc kéo dài cũng làm cho nhiều loại nông sản khác như thanh long, dưa hấu rớt giá tận đáy, chất đầy đồng.

Thanh long và dưa hấu được bày bán ở đường Phổ Quang (Q.Tân Bình, TP.HCM)

Chí Nhân

Tiêu - điều khổ vì mưa

Những ngày cuối tháng 2, theo thường lệ khu vực Tây nguyên và Đông Nam bộ lẽ ra đã bước vào mùa khô. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mưa to cứ xuất hiện liên tục. Anh Trần Trung (ở Nam Cát Tiên, Lâm Đồng) chia sẻ: “Ban đầu mưa xuất hiện 1, 2 cơn thì thấy vui, đỡ tốn nước tưới cây, nhưng sau đó mưa liên tục, nông dân bắt đầu rầu rĩ. Cây điều đang đến mùa ra hoa kết trái, mưa nhiều thì rụng hoa, giảm năng suất, nhiều loại sâu bệnh như bọ xít, sâu đục trái phát triển. Vườn nào thu hoạch sớm thì còn đỡ chứ bây giờ cây mới ra hoa là đều mất mùa hết”.

Thua lỗ, nợ nần, nông dân Long An cắn răng chặt bỏ vườn Thanh Long

Chị Nguyễn Mậu Nhi, chủ vườn điều tại TX.Phước Long (Bình Phước), than thở: “Vườn nhà tôi đã tốn hơn 25 triệu đồng tiền công dọn vườn và phun thuốc mà chưa thu được hạt điều nào. Mưa to suốt mấy ngày nay, mưa trôi luôn trái rụng dưới đất… Thời tiết như vậy coi như nông dân trồng điều thất thu nặng nề”. Cùng chung tâm trạng, anh Lê Văn Hùng ở H.Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết: Năm nay do khí hậu, thời tiết thay đổi nên ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây điều. Vườn nhà tôi đã phun thuốc cách đây nửa tháng nhưng 900 gốc tới nay không được quả nào”. Hồ tiêu đang vào vụ thu hoạch, nhưng mưa trái mùa liên tục khiến rụng nhiều, thu hoạch xong thì không phơi được.

Người chăn nuôi cũng bế tắc

Với tình hình sức mua thấp, giá cả chi phí vật tư tăng cao, người chăn nuôi gà cũng đang đối mặt với tình cảnh bấp bênh với thu nhập khá thấp. Theo một số chủ trang trại chăn nuôi lâu năm, hiện nay để nuôi 1.000 con gà thịt thì mất đến 4 tháng, giá cám, giá thuốc đều tăng, trong khi giá thịt tại trại chỉ khoảng 55.000 - 65.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, nếu may mắn có lãi thì cũng chỉ được 30 triệu đồng, so sánh thu nhập thì thấp hơn nhiều so với nghề phụ hồ hoặc công nhân.

Nhưng thảm cảnh hơn là các chủ vườn dưa hấu mấy ngày nay liên tục kêu gọi thương lái giải cứu dù giá bán đã giảm đến mức không thể nào giảm được nữa. Gia đình chị Trần Lưu, hộ trồng dưa tại Hòa Hội, tỉnh Phú Yên, khẩn thiết kêu gọi: “Giải cứu dưa em với mọi người ơi. Hiện tại em có 100 tấn dưa mà cửa khẩu đóng rồi không có thương lái nào tới mua hết, giờ em cũng không biết như thế nào. Em vừa bán vừa năn nỉ mọi người ủng hộ để trả nợ đầu tư, còn công sức em bỏ cũng được, chứ biết lấy tiền đâu mà trả đây”.

Theo các thương lái, vùng dưa Phú Yên lâu nay chỉ xuất khẩu đi Trung Quốc còn tiêu thụ trong nước rất ít do chất lượng không so được với vùng Long An, Bến Tre, thậm chí thua cả dưa Gia Lai, Kon Tum. Hiện nay dưa hấu xuất khẩu đang ách tắc, nguồn tiêu thụ trong nước không thể gánh đỡ nổi. Dù giá hiện nay có giảm còn 1.000 - 2.000 đồng/kg ngay tại vườn thì các thương lái cũng không thể mua hết được.

Trong khi đó, thủ phủ cây thanh long tại tỉnh Bình Thuận đang lâm vào cảnh điêu tàn. Thanh long chín đỏ đầy vườn mà không có người thu hái. Nhiều nhà vườn đã quyết định ngưng chạy điện, chấp nhận bỏ vụ mùa này. Không ít chủ vườn đã quyết định phá bỏ cây thanh long để chờ cơ hội khác.

Trái cây chất đầy vỉa hè thành phố

Sáng cuối tuần, trên vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, đoạn chợ Tân Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM), người đàn ông trung niên tên Tân đang chất hàng ngàn quả thanh long ngay hàng thẳng lối thành một đống to và cao trông thật bắt mắt. Ông cho biết thanh long mang từ Long An lên, nhưng cả buổi sáng chỉ bán được có 20 - 30 ký. “Ở quê, thanh long chín rộ nhưng không có thương lái thu mua nên đánh liều mang lên thành phố bán. Vớt vát được chút nào hay tí đó nhưng không ngờ ế quá. Đợt này lại tốn thêm chi phí vận chuyển”, ông Tân than.

Trên tuyến đường Phổ Quang (Q.Tân Bình), hàng dài các xe trái cây nối đuôi nhau chờ khách. Gần Bến xe miền Tây trên đường Kinh Dương Vương cũng có khá nhiều điểm bán trái cây như vậy. Những vỉa hè rộng thoáng trở thành các vựa trái cây bất đắc dĩ đủ loại như: mít thái, khóm, bưởi da xanh, thanh long, dưa hấu, xoài, ổi… Giá cũng giảm mạnh với bưởi da xanh, cao nhất chỉ 17.000 đồng/kg; các loại thanh long, xoài, khóm chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng/kg nhưng rất ít người mua. Tại một số siêu thị, nhiều loại trái cây giá rất thấp.

Theo ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh có gần 34.000 ha thanh long, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm. Trong đó có gần 14.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 335 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP. Tỉnh đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp được 396 mã số vùng trồng và 268 mã số cơ sở đóng gói xuất sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác. Hiện nay, tình hình thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía bắc rất khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, giá thanh long đang giảm sâu vì các doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng.

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đánh giá: “Để giúp người nông dân tiêu thụ được nông sản, cần có sự hỗ trợ, kết nối từ T.Ư, các bộ, ngành từ dự báo thị trường, hoạch định chính sách, hướng dẫn, bộ tiêu chí sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường… Đồng thời, xây dựng chiến lược đánh giá tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ thanh long trên cơ sở nghiên cứu khoa học, đảm bảo nguyên tắc cung cầu để các địa phương có cơ sở quy hoạch, phát triển. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên ngành cần theo dõi cập nhật thông tin, chính sách tiêu thụ ở các nước để kịp thời phổ biến đến địa phương; định hướng tăng cường công tác chế biến, giải quyết tình trạng ứ đọng hàng khi gặp khó khăn trong tiêu thụ; đầu tư kho lạnh tại các cửa khẩu để lưu trữ hàng bị ùn ứ tại cửa khẩu…”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.