Hàng chục năm qua, 54 hộ dân vùng biên giới Việt-Lào (thuộc thôn 1, xã Hương Liên, H.Hương Khê,Hà Tĩnh), phải dậy từ mờ sáng, vượt quãng đường gần 1 km để lấy nước sông về sử dụng.
Ròng rã nhiều năm, người dân ở thôn 1 xã Hương Liên phải lấy nước Rào Tre về sinh hoạt - Ảnh: Nguyên Dũng
|
Về thôn 1, xã Hương Liên những ngày mùa hè, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là rất đông người dân dùng quang gánh, xe đạp, xe kéo mang theo thùng, can nhựa lỉnh kỉnh đi lấy nước từ sông Rào Tre về dùng.
Chỉ vào cái bồn nước cạn khô, ngả màu của gia đình, bà Lê Thị Vinh (74 tuổi, thôn 1) lo lắng: “Nước nôi kiểu này thật khốn cùng. Chỉ cần nắng hạn thêm vài ba ngày nữa, toàn bộ cây cối trong vườn đều chết khô, con người cũng đổ bệnh vì thiếu nước sạch trầm trọng”.
Ông Trần Văn Kham, cư dân ở đây cũng cho biết, để tìm nguồn nước ngầm sử dụng, gia đình ông phải thuê thợ về khoan 4 cái giếng quanh vườn nhà, mỗi giếng sâu từ 25 m trở lên, nhưng tất cả đều không có nước. Nhiều hộ dân khác cũng thuê thợ về khoan giếng sâu từ 25 - 40 m nhưng cũng chung tình cảnh tương tự. Lý do được người dân giải thích là vì thôn 1 ở vào vị trí rất cao, nhô lên như cái lưng của một con rùa khổng lồ nên nguồn nước ngầm ở đây bị tụt.
Không có nước máy và không có kinh phí đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước từ trên núi cao về, nên hàng chục năm nay, 54 hộ dân tại thôn 1, xã Hương Liên phải dậy từ sáng sớm, đi gần 1 km lấy nước từ chân cầu Rào Tre (bắc qua sông Rào Tre) về ăn uống, tắm, giặt, rửa và sinh hoạt. Những lúc trời mưa to, người dân mới hứng được ít nước sạch, đổ vào bể để dùng tằn tiện, nhưng cũng chỉ được dăm ba ngày là hết, phải quay lại dùng nước sông.
Vừa gánh nước từ chân cầu Rào Tre về đổ vào bể chứa, chị Nguyễn Thị Thạo (33 tuổi) cho biết, nhiều năm nay gia đình chị phải chạy nước từng bữa. Để lấy được nước chưa bị người hoặc trâu bò làm vẩn đục, ngày nào chị Thạo cũng phải thức dậy từ tờ mờ sáng để đi gánh.
“Cảnh chạy nước diễn ra quanh năm chú ạ. Khổ nhất là vào mùa khô. Vì thế ở đây, nước sạch được chúng tôi quý như sâm”, chị Thạo chia sẻ.
Giải pháp vẫn nằm trên… giấy
Qua các cuộc họp và tiếp xúc cử tri diễn ra tại địa phương, 54 hộ dân kể trên đã nhiều lần phản ánh, “kêu cứu” lên các cơ quan chức năng, nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
“Hàng chục năm nay, hết đoàn này đến đoàn khác từ trên tỉnh, huyện về làm việc, ghi nhận thực trạng thiếu nước sạch của bà con và hứa hẹn là sẽ kêu gọi, lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy nước để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Nhưng kết quả vẫn chỉ dừng lại ở… lời hứa suông”, anh Trần Văn Kham (một người dân ở thôn 1) nói.
Ông Đinh Xuân Thường, Bí thư xã Hương Liên cho hay: “Việc cung cấp nước sạch cho 54 hộ dân thôn 1, các cơ quan chức năng liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có một giải pháp hữu hiệu nào được triển khai để người dân được hưởng lợi. Tất cả còn nằm…trên giấy”.
Trưởng trạm y tế xã Hương Liên Trần Văn Lộc nói thêm: Nguồn nước sông Rào Tre mà các hộ dân thôn 1 đang sử dụng lâu nay không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa nắng nóng, nguồn nước này cạn dần và bị ô nhiễm.
“Vì sử dụng nước sông để ăn uống, sinh hoạt nên người dân trong thôn thường bị các chứng bệnh ngoài da như gẻ, lở, mụt nhọt và bị các bệnh về đường ruột, tiêu chảy…”, ông Lộc nói.
Bình luận (0)