Nhà cửa xuống cấp nhưng không thể sửa chữa
Theo UBND Q.Sơn Trà, dự án khu tái định cư (TĐC) cuối tuyến Bạch Đằng đông gồm 4 khu đất có ký hiệu A3, A4, A6 và A7 quy hoạch đã lâu, kéo dài trong nhiều năm. Đây là khu vực cuối cùng trên địa bàn P.Nại Hiên Đông nằm trong quy hoạch nhưng chưa được giải tỏa.
Dự án này có quy mô hơn 18.700 m2. UBND Q.Sơn Trà nhận định: Hiện trạng khu nhà dân đã xuống cấp, gây bức xúc tại các kỳ họp tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp. Đây cũng là bộ mặt của TP nhìn về phía đông bờ sông Hàn.
tin liên quan
Thi công kiểu… trời ơi!Người dân địa phương nhiều lần 'kêu trời' vì một nhà thầu thi công ẩu, thiếu an toàn và ô nhiễm, nhưng chủ đầu tư công trình vẫn thiếu biện pháp kiên quyết, nên để xảy ra những tai nạn chết người hết sức đau lòng.
Gia đình anh Võ Quốc Chiến (35 tuổi) có 3 thế hệ chung sống trong căn nhà chật hẹp chừng vài chục mét vuông. Do nhà xây dựng từ hàng chục năm trước nên xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vướng quy hoạch nên gia đình anh Chiến (cũng như các nhà dân trong vùng dự án) đều không thể nâng cấp hoặc xây mới.
“Chỉ cần chạm tay vào là bờ tường tróc từng miếng nhưng chúng tôi phải chấp nhận ở trong tình trạng này vì chính quyền địa phương cấm xây dựng, sửa chữa kiên cố. Mùa nắng nóng chịu không nổi, mùa mưa thì thấp thỏm lo nhà sập”, anh Chiến nói. Cũng do không thể sửa sang nên nhà cửa trong khu vực quy hoạch trông rất nhếch nhác, nhiều khu vực cỏ dại phủ um tùm, trở thành nơi trú ẩn của ruồi muỗi, xả nước thải...
Bức xúc lớn nhất của người dân là tình trạng quy hoạch “treo” quá lâu. Ông Nguyễn Tấn Công (50 tuổi) nói: “Nhiều năm về trước, tôi thấy có cán bộ đến đo đạc, tưởng là chấm dứt cuộc sống “treo” khổ sở này. Thế rồi lại tiếp tục chờ. Nguyện vọng của người dân là nếu có di dời thì triển khai sớm, còn không thì chính quyền địa phương thông báo cho người dân được biết để ổn định cuộc sống”.
tin liên quan
'Mua' đất dự án, 15 năm khốn khổ đi đòi15 năm “mua” đất nhưng hàng trăm khách hàng tại dự án Thái Sơn 1 (H.Nhà Bè, TP.HCM) vẫn không thể xây nhà để ở.
Chờ cấp vốn
Theo bà Đỗ Thị Minh Hương, Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông, dự án khu TĐC cuối tuyến Bạch Đằng đông được phê duyệt, kiểm định lần 1 từ năm 1999 nhưng đến nay chưa đền bù, giải tỏa. Trước tình trạng nhà dân xuống cấp, hư hỏng, UBND phường đã ra thông báo người dân cần có đơn đề nghị được sửa chữa theo quy định. Phường cũng thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân hằng tháng ra quân cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh khu vực. “Hằng năm, địa phương đều có kiến nghị với quận, đặc biệt qua các đợt tiếp xúc cử tri. Đa số hộ dân đều có ý kiến tại các đợt tiếp xúc với đại biểu HĐND các cấp về vấn đề này”, bà Hương thông tin.
Trong khi đó, UBND Q.Sơn Trà vừa có báo cáo chi tiết gửi UBND TP.Đà Nẵng về dự trù kinh phí và phương án bố trí TĐC dự án khu TĐC cuối tuyến Bạch Đằng đông. Cụ thể, có tổng số 47 hồ sơ đền bù (43 hộ chính, 4 hộ phụ). Tổng giá trị đền bù, hỗ trợ tạm tính trên 40 tỉ đồng. Tổng số lô đất dự kiến bố trí là 54, bố trí vào các khu thuộc quỹ đất TĐC thực tế, các khu đất thuộc dự án dự kiến khai thác quỹ đất để thực hiện dự án trên địa bàn quận.
Một vị lãnh đạo Văn phòng UBND Q.Sơn Trà cho biết hiện dự án vẫn chưa thể triển khai được do TP chưa cấp vốn. “TP trả lời sẽ tiếp tục cân đối, bố trí vốn để tiến hành giải tỏa khu vực này. Để giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt, mới đây chúng tôi đã khảo sát từng nhà dân bị xuống cấp, qua đó tạo điều kiện để người dân nâng cấp nhà ở, đảm bảo an toàn tính mạng trong mùa mưa bão”, cán bộ này nói.
tin liên quan
Sống chung với bãi rác ô nhiễmSau 5 năm đưa vào hoạt động, bãi rác ở xã Bưng Riềng (H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã rò rỉ nước, phát tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bình luận (0)