Khốn khổ vì phân làn ô tô mới ở sân bay

04/12/2020 06:25 GMT+7

Không chỉ hành khách đón xe công nghệ ngao ngán vì phải khuân đồ leo bộ 3 - 4 tầng lầu, khách đón taxi cũng khốn khổ vì phương án phân làn, phân luồng ô tô mới của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Chờ taxi bằng thời gian bay

19 giờ 30 phút, anh T.Đ đáp chuyến bay từ Huế đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Do không gửi hành lý nên khoảng 20 giờ 45, anh Đ. đã di chuyển ra tới khu vực đón taxi, tức làn D khu vực nhà gửi xe TCP. Mới ra khỏi nhà ga, anh khá bất ngờ vì khu vực trước sảnh nhà ga thông thoáng, không ùn tắc như mọi khi. Tuy nhiên, “nỗi ám ảnh” bắt đầu xuất hiện khi dòng người lũ lượt kéo va li chen lấn nhau dồn về phía nhà gửi xe. Đến Tân Sơn Nhất cùng khoảng thời gian với chuyến bay của anh Đ. còn 2 chuyến đến từ Hà Nội và Phú Quốc, cả ngàn người ào ra cùng lúc khiến khu vực đón xe nhanh chóng trở nên ùn tắc. Nhân viên điều hành taxi liên tục quơ tay, gọi khách, sắp chỗ nhưng không hàng lối nào được hình thành. Người sau chèn người trước, giành giật xe, taxi gọi khách í ới...; khung cảnh vô cùng hỗn loạn.
Đang yên đang lành, tôi không hiểu tính toán phân làn, cải tiến đổi mới kiểu gì mà ai cũng khổ thế này
Chị Lam An (ngụ Q.10, TP.HCM)
“Chưa bao giờ tôi thấy cách điều hành xe kém văn minh như vậy. Mình xếp hàng theo chỉ dẫn của điều hành viên thì hết người nọ đến người kia chen lên cướp xe, muốn làm người văn minh cũng không được. Chưa kể nhiều taxi còn làm giá, chê cuốc ngắn, khách đứng trả giá một hồi xong lại quay đầu bỏ đi, khiến tình trạng ùn tắc càng thêm nghiêm trọng, nói đúng hơn là bát nháo. Hơn 9 giờ rưỡi tối, hai bố con tôi mới đón được taxi, thời gian chờ xe gần bằng thời gian cả chuyến bay. Thật kinh khủng!”, anh Đ. ngao ngán nhớ lại.

Chung cảnh ngộ, chờ hơn 30 phút chưa đón được taxi, chị Lam An (ngụ Q.10) đặt xe qua ứng dụng Be thì được tài xế “nhờ” đi bộ ra tận khu vực cây xăng trên đường Trường Sơn để lên xe vì nếu đi vào trong sẽ phải tốn thêm 25.000 đồng dịch vụ. “Gần 10 giờ đêm, một mình tôi khệ nệ kéo chiếc vali đi gần 1 cây số mới lên được xe. Chưa kịp than câu nào, anh tài xế đã vội kêu khổ vừa bị mấy khách hủy chuyến vì họ phải đi quá xa và đóng thêm tiền. Đang yên đang lành, tôi không hiểu tính toán phân làn, cải tiến đổi mới kiểu gì mà ai cũng khổ thế này”, chị An bức xúc.

Hơn nửa tháng trôi qua kể từ ngày Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chính thức áp dụng quy định phân làn, phân luồng ô tô mới, trong khi Cảng vụ hàng không miền Nam đánh giá phương án phân làn mới đã đem lại hiệu quả về an ninh, trật tự phía trước ga quốc nội; hành khách tới sân bay được đảm bảo thuận tiện, thông thoáng hơn nhiều và giảm tranh giành, cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng xe, thì rất nhiều người dân đã lên tiếng phản ứng. Thuận tiện đâu chưa thấy, nhưng rõ ràng phương án phân làn mới đang gây rất nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân.

Sai từ quy định đến cách thực hiện

Trả lời báo chí, ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khẳng định phương án mới là hoàn toàn công bằng và cảng đang làm đúng theo quy định pháp luật. Cụ thể, Thông tư 17/2016 (Thông tư 17) của Bộ GTVT quy định kinh doanh phi hàng không tại các cảng hàng không: Các hãng vận tải muốn vào khai thác bắt buộc phải đấu giá nhượng quyền khai thác với cảng. Các hãng xe công nghệ không ký hợp đồng lại được ưu tiên đón ở làn thuận tiện như các hãng taxi đã ký hợp đồng thuê vị trí, như vậy mới là không công bằng.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM), nhận định Thông tư 17 của Bộ GTVT là hoàn toàn vô lý. Đứng trên quan điểm nhà nước, mọi chính sách phải phục vụ quyền và lợi ích của người dân. Sân bay là hạ tầng công cộng, do nhà nước xây dựng để phục vụ người dân. Hành khách đi máy bay đã đóng đủ loại thuế, phí (cộng vào giá vé), họ có quyền được đón phương tiện di chuyển từ sân bay về nhà. Xe taxi hay xe công nghệ thì cũng là phục vụ đi lại của người dân, không có lý gì yêu cầu các loại xe dịch vụ này muốn ra/vào đón khách phải đấu thầu hoặc đóng thêm phí.
“Hiện các cảng hàng không đang duy trì thu phí ra/vào sân bay, mức phí này đã là vô lý và người dân phải chịu. Nay yêu cầu các hãng xe phải đóng thêm tiền nhượng quyền mới được khai thác, phân chia khu vực, chênh lệch phí, giá, cuối cùng chi phí lại dồn vào dân. Thông tư 17 là quá vô lý, Bộ GTVT cần hủy bỏ quy định này”, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhận định và đề xuất phương án phân luồng mới: Làn A (khu vực sát sảnh đón trả khách) chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay và cấm đón khách. Các làn B, C, D còn lại dành cho tất cả các phương tiện đón khách, không phân biệt xe cá nhân, taxi hay xe công nghệ. Thậm chí ưu tiên các loại xe công cộng đón trước, đón gần hơn xe cá nhân. Xe ra/vào chỉ cho thời gian ngắn cố định đón/trả khách và được phân luồng theo thứ tự ổn định, trật tự. Đồng thời, quy hoạch một khu vực riêng cho xe muốn dừng, đỗ và khu vực này có phí. Đây cũng là cách mà các sân bay trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới thực hiện.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng: Thông tư 17 của Bộ GTVT cũng như phương án phân làn của cảng chỉ mang lợi ích cục bộ cho đơn vị quản lý, không nhằm mục đích phục vụ lợi ích của người dân. Hành khách không cần biết taxi truyền thống hay taxi công nghệ có đóng tiền cho cảng hay không. Họ chỉ cần biết họ có quyền được lựa chọn phương tiện và được phục vụ một cách thuận tiện nhất. Trong trường hợp cảng muốn thực hiện phương án phân làn mới thì cũng phải chuẩn bị đầy đủ hạ tầng như hầm chui, cầu vượt, thang máy, thang cuốn... đáp ứng đủ nhu cầu của người dân thì mới bắt đầu triển khai.
Phương án phân làn mới sai từ quy định cho tới cách thức thực hiện, không mang tính tổng thể, không phục vụ nhu cầu và quyền lợi của người dân.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.