Không ai bị lãng quên

27/07/2013 03:03 GMT+7

Cuộc kháng chiến chống Pháp dừng lại sau chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 59 năm. Cuộc chiến tranh với Mỹ đã chính thức dừng ở cột mốc 30.4.1975, cách đây 38 năm. Gần nhất, hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc, độ lùi thời gian cũng đã vào khoảng 30 năm có lẻ.

Cuộc kháng chiến chống Pháp dừng lại sau chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 59 năm. Cuộc chiến tranh với Mỹ đã chính thức dừng ở cột mốc 30.4.1975, cách đây 38 năm. Gần nhất, hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc, độ lùi thời gian cũng đã vào khoảng 30 năm có lẻ.

Và những liệt sĩ của chúng ta hy sinh ở hai cuộc chiến ấy, nhiều người cũng đã “tuổi chết dần hơn tuổi sống”. Bởi lúc hy sinh, họ chỉ ở độ tuổi hai mươi.

Khi các đoàn viên và thanh niên của thế hệ trẻ hôm nay thắp lên những ngọn nến tri ân liệt sĩ, các em có thể nghĩ: những người nằm dưới mộ kia đúng bằng tuổi các em hôm nay, và những liệt sĩ ấy đã có “tuổi chết” nhiều hơn hẳn tuổi các em bây giờ đang sống. Nghĩ như thế để có thể vừa kết nối tình cảm, ước mơ, rung động giữa những người có “tuổi sống” bằng nhau nhưng nay đã thuộc về hai thế giới khác nhau, vừa bày tỏ niềm kính trọng và tiếc thương những liệt sĩ đã từng sống, ước mơ, hy vọng… như chúng ta đang sống hôm nay, nhưng rồi với họ, tất cả đã phải dừng lại. Và họ chỉ còn được đếm hằng năm bằng “tuổi chết” - họ đã hy sinh bao nhiêu năm rồi?

Không người lính nào muốn chết, nhưng người lính nào cũng hiểu và cảm thấy sâu sắc ý nghĩa tối thượng của hai chữ “hy sinh”. Và họ đã chấp nhận “Nếu ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”. Tôi đã từng được sống, được chia sẻ với những người lính đang độ tuổi mười tám đôi mươi. Họ hồn nhiên và trong sáng. Nhưng họ đã sớm có ý thức. Nhiều người trong số họ, khi hy sinh, vẫn tuyệt đối trong sáng và hồn nhiên. Nhưng họ đã hy sinh với tinh thần trách nhiệm cao và nặng hơn độ tuổi của họ. Các bạn thanh niên hôm nay có thể nhìn sâu hơn vào cách sống “trong sáng, hồn nhiên, và không chỉ như thế” của các liệt sĩ chúng ta. Đó cũng là cách để xác định và khẳng định thái độ sống cho mình ở một đất nước mà những nguy cơ luôn rình rập, mà sự hy sinh chưa bao giờ thôi ám ảnh những công dân yêu nước thuộc nhiều thế hệ.

Năm ngoái, tôi đã đi viếng nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh biên giới phía bắc vào dịp trước ngày 27.7. Tại nhiều nghĩa trang, tôi đã ghi lại độ tuổi của các liệt sĩ (có tên) đang nằm ở đó. Những liệt sĩ ở độ tuổi hai mươi (thậm chí chỉ 18 tuổi) vẫn chiếm nhiều nhất. Với mười nghìn liệt sĩ nằm ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, những người lính trẻ vẫn chiếm đa số.

Tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) - nơi các liệt sĩ của chúng ta hy sinh từ năm 1984 tới 1987, những liệt sĩ có “tuổi sống” 18, 19 là rất đông. Những người lính từ 30 tỉnh thành trong cả nước đã góp máu xương mình giữ từng mỏm núi, từng tấc đá ở chiến trường Thanh Thủy -Vị Xuyên - Hà Giang.

Noi gương các anh hùng, liệt sĩ, những người trẻ Việt Nam yêu nước nên sống có ý thức và tinh thần cảnh giác cao. Và cũng để sẻ chia, yêu thương, kính trọng nhiều hơn những liệt sĩ của chúng ta trên các mặt trận. “Không một ai bị lãng quên, không một cái gì bị quên lãng”, kể cả “tuổi sống” và “tuổi chết” của các liệt sĩ, kể cả các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dù ở đất liền, ở biên giới hay trên các vùng biển đảo Việt Nam.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.