Không bao giờ hút thuốc nhưng vẫn bị ung thư phổi, vì sao?

05/01/2021 11:25 GMT+7

Nhiều người trong đời chưa bao giờ biết đến điếu thuốc nhưng vẫn bị ung thư phổi !

Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới xác nhận ung thư phổi là ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới.
Ai cũng biết nguyên nhân lớn nhất dẫn đến ung thư phổi là hút thuốc lá, theo Express.
Nhưng đó không phải là cách duy nhất để phát sinh căn bệnh chết người này.

Các triệu chứng chính của ung thư phổi

Ngay cả việc tiếp xúc với khói thuốc trong một thời gian ngắn cũng có thể làm tổn thương các tế bào dẫn đến quá trình ung thư

Ảnh: Shutterstock

Các triệu chứng chính của ung thư phổi bao gồm ho lâu ngày và càng ngày càng nặng, ho ra máu và đau khi thở.
Điều gì có thể gây ra căn bệnh chết người này?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ xác nhận khói thuốc thụ động có thể gây ung thư phổi.
CDC Mỹ giải thích: “Khói thuốc là sự kết hợp của khói từ đầu điếu thuốc đang cháy và khói do người hút thuốc thở ra”.
Khả năng tiếp xúc với khói thuốc thụ động trong cuộc đời của mỗi người là rất cao.
Ngồi quán cà phê, tiệm ăn, tiệm internet, đi bộ trên đường, đâu đâu cũng có thể có người hút thuốc lá.
Có đến 70 hóa chất trong khói thuốc "có thể gây ung thư", và hàng trăm hóa chất khác được xếp vào loại "độc hại".
Từ năm 1964, Báo cáo của Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã cho biết: "2,5 triệu người trưởng thành không hút thuốc đã chết vì hít phải khói thuốc", theo Express.
Những nguyên nhân nào khiến người không hút thuốc mắc ung thư phổi?

1. Hít phải khói thuốc

CDC Mỹ khẳng định: "Mức độ nguy cơ khi tiếp xúc với khói thuốc là vô kể".
Ngay cả người đã từng tiếp xúc với khói thuốc khi còn nhỏ, vẫn có thể gặp nguy hiểm.
Ở người lớn, khói thuốc gây ra rất nhiều tác hại đến sức khỏe.
Chúng bao gồm: đột quỵ, kích ứng mũi, ung thư phổi và bệnh tim mạch vành.
CDC Mỹ đã chứng minh: “Hít phải khói thuốc có thể có tác động xấu ngay lập tức đến máu và mạch máu. Nó cản trở hoạt động bình thường của tim, máu và hệ thống mạch máu. Hơn nữa, khói thuốc có thể làm cho các tiểu cầu trong máu của người không hút thuốc trở nên kết dính”.
CDC Mỹ cho biết thêm: “Ngay cả việc tiếp xúc với khói thuốc trong một thời gian ngắn cũng có thể làm tổn thương các tế bào dẫn đến quá trình ung thư”, theo Express.

2. Dùng chất bổ sung beta-carotene liều cao

Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, ngoài khói thuốc, một yếu tố nguy cơ đáng ngạc nhiên đối với ung thư phổi là "dùng chất bổ sung beta-carotene liều cao", theo Express.

3. Tiếp xúc với amiăng và khí thải độc hại

Quỹ Ung thư Phổi Roy Castle nói thêm rằng việc tiếp xúc với amiăng, khí radon và các hóa chất nghề nghiệp có thể gây ung thư phổi.

4. Hít nhiều khói dầu diesel

Ngoài ra, khói dầu diesel, chế độ ăn uống nghèo nàn và lười vận động cũng có thể góp phần vào sự phát triển của ung thư phổi.

Nên làm gì để giảm nguy cơ ung thư phổi?

Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư phổi, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh đề xuất ăn một chế độ ăn uống lành mạnh có thể hữu ích.
Chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ có thể giảm nguy cơ ung thư phổi, với ít nhất 5 phần trái cây tươi và rau mỗi ngày, và nhiều ngũ cốc nguyên hạt.
Cũng có bằng chứng mạnh mẽ rằng "tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi".
Hầu hết người lớn được khuyến nghị nên tập thể dục nhịp điệu ít nhất 150 phút mỗi tuần.
Để đạt được mục tiêu tối thiểu này, bạn sẽ cần tập thể dục 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, theo Express.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.