Chuẩn bị cho ngày về
“Đường đời không phải luôn thênh thang rộng mở với bất cứ ai. Vì hoàn cảnh xuất thân hay ảnh hưởng từ môi trường, bạn bè xung quanh, không hiếm người đã rẽ vào lối đầy dốc cao, gai nhọn. Những cú trượt chân vấp ngã là không thể nào tránh khỏi. Nhưng điều đáng quý nhất là sau thất bại, họ dám đứng lên đối mặt với thách thức và làm lại từ đầu. Không có gì là quá muộn cho một sự bắt đầu. Các bạn không đơn độc trong hành trình vươn tới mặt trời”. Những lời mở đầu như thế của những người tổ chức chương trình phần nào xua đi cảm giác e dè và khoảng cách lúc ban đầu.
Không khí thêm thân thiện khi thạc sĩ Dương Hoán (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) bày tỏ chân tình trước khi bước vào hoạt động tư vấn pháp luật: “Trong đời ai cũng mắc sai lầm. Tôi cũng mắc sai lầm. Tôi đến đây với mong muốn chúng ta là những người hiểu biết nhau, không có xa cách. Chúng ta trao đổi, chia sẻ chứ không phải giáo dục”.
|
Tiến sĩ Trần Phú Vinh, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và đào tạo ngắn hạn (Trường ĐH Luật TP.HCM), cho biết những thành viên của trung tâm hướng dẫn cho phạm nhân ở 4 lĩnh vực: nhập lại hộ khẩu, làm lại CMND sau khi ra tù, thủ tục xóa án tích, những vấn đề liên quan đến tài sản.
Xen giữa những nội dung là trò chơi đố vui về những kiến thức vừa học do sinh viên thuộc Câu lạc bộ Thực hành pháp luật thiết kế. Những tràng cười vui vẻ, nhiều cánh tay đưa lên giành phần trả lời câu hỏi… khiến lớp học tuy mang tính chất nghiêm túc nhưng không kém phần sôi động.
Theo thượng tá Trịnh Xuân Thủy - Phó giám thị Trại tạm giam Bố Lá, trong số 121 phạm nhân nói trên, có một số trường hợp vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức pháp luật. Thượng tá Thủy cho rằng chương trình này góp phần giúp phạm nhân nâng cao nhận thức để trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh đó, các phạm nhân còn được Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giải quyết việc làm thanh niên tư vấn về những địa chỉ tìm việc uy tín, cách chuẩn bị hồ sơ dự phỏng vấn, thông tin tuyển dụng...
“Suy nghĩ trước khi làm điều gì đó”
Phạm nhân Minh Tùng (hộ khẩu ở Q.Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ: “Bản thân tôi và những phạm nhân ở Bố Lá được bổ sung nhiều kiến thức pháp luật, việc làm và thấy tự tin để tái hòa nhập cộng đồng”. Tùng mong mỏi chương trình có thêm nội dung về khơi gợi sự tự tin làm lại cuộc đời, để những phạm nhân có thể giảm bớt sự tự ti, mặc cảm về bản thân.
Phạm nhân Văn Công (ngụ Q.7, TP.HCM) cũng cho hay sau khóa học này, Công rút ra nhiều kiến thức bổ ích cho mình, để sau này tránh vi phạm pháp luật. Với tội cố ý gây thương tích, Công phải chịu mức án 4 năm tù giam. Tính đến nay, Công đã thụ án được 20 tháng. Công bộc bạch: “Từ bài học của mình, tôi muốn nhắn nhủ những bạn thanh thiếu niên ngoài đời là nên suy nghĩ trước khi làm điều gì đó”.
Chỉ còn 10 ngày nữa là ra tù, Dương Dũng (29 tuổi, ngụ ở Q.Bình Tân) thổ lộ tâm trạng của mình là vừa vui vừa lo lắng. “Vui là vì gia đình tiếp nhận. Còn lo là lo cho nghề nghiệp tương lai”, Dũng giải thích. Tuy vậy, Dũng cũng đã có kế hoạch tìm việc làm. Nói về sự lỡ lầm của mình trong thời gian qua vì đã tiêu thụ xe gian, Dũng tâm sự: “Hồi trước, tôi đang thiếu tiền nên làm việc đó. Nhưng nghĩ lại, số tiền mình kiếm được là vô nghĩa và còn phải trả giá đắt. Sau này, tôi cố gắng để mình không vi phạm pháp luật, lêu lổng nữa”. Ước mơ lớn nhất của Dũng cũng như nhiều phạm nhân khác là kiếm được việc làm ổn định, tận dụng những giây phút sống trong gia đình để bù đắp những nỗi buồn đau đã gây ra cho người thân.
Tiếp tục cuộc hành trình “Hành trình của niềm tin” (do Hội LHTN TP.HCM phối hợp với Công an TP.HCM, Trung tâm tư vấn pháp luật và đào tạo ngắn hạn - Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức) lần đầu tiên đến với Trại tạm giam Bố Lá vào cuối tuần qua. Dự kiến, hành trình này tiếp tục diễn ra đến cuối tháng 12, tại một số trại giam khác. |
Như Lịch
>> NS Ngọc Giàu: Sống tốt thì cuộc đời sẽ mỉm cười với mình!
>> Sống tốt cho trái tim khỏe mạnh
>> Lối sống tốt giúp nhịp tim bớt loạn
>> Na Uy là nơi sống tốt nhất thế giới
Bình luận (0)