Hiện nay tại TP.HCM tồn tại song song 2 hệ thống đánh giá năng lực, trình độ tiếng Anh của học sinh bao gồm chứng chỉ Starters, Movers, Flyers của Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge - Cambridge ESOL (Vương quốc Anh) và chứng chỉ TOEFL Primary của Viện khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - ETS.
Tại hội thảo, một số giáo viên băn khoăn, bài thi TOEFL Primary chỉ đánh giá 2 trong 4 kỹ năng ngôn ngữ như vậy có nhận định toàn diện trình độ của học sinh hay không? Bên cạnh đó, với 2 hệ thống đánh giá như vậy, giáo viên sẽ tư vấn cho học sinh, phụ huynh lựa chọn như thế nào và lệ phí, thời gian thực hiện ra sao để không ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh?
Trước những câu hỏi này, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng GD tiểu học Sở GD- ĐT TP.HCM, trả lời: “Sở đang lên kế hoạch tổ chức và tính toán làm sao để mỗi tháng có một kỳ thi. Từ đó các trường khuyến khích học sinh tham gia và không nên cho học sinh tập trung thi vào tháng 5 như vừa qua. Đặc biệt giáo viên không được lấy việc đánh giá chuẩn quốc tế để tổ chức luyện thi cho học sinh mà trên tinh thần là phải nâng cao chất lượng dạy học ngay trên chính các tiết giảng của mình”.
Ngoài ra, ông Vinh nhấn mạnh thêm về việc sử dụng chứng chỉ đánh giá này như sau: “Học sinh thi các chứng chỉ nói trên mang tính chất khuyến khích chứ không phải là bắt buộc nhằm xem xét khi học lên các lớp trên”.
Ông Vinh giải thích thêm, đối với các trường tổ chức lớp tăng cường tiếng Anh sẽ không áp dụng quy định phải đạt số khiên theo yêu cầu của chứng chỉ Starters ở lớp 2 để xét lên lớp 3. Và việc xem xét đánh giá trình độ học sinh tiếp tục theo chương trình sẽ thuộc trách nhiệm của giáo viên bộ môn và hiệu trưởng. Quy định nói trên sẽ tiếp tục triển khai vào năm học mới.
B.Thanh
>> Quy định mới về công nhận trình độ tiếng Anh của học sinh và giáo viên
>> Giáo viên phải có chứng chỉ B2 mới được dạy trẻ mầm non
>> Không bắt buộc học sinh thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế
Bình luận (0)