Không bất ngờ

27/09/2013 03:20 GMT+7

Chi thường xuyên trong 8 tháng đầu năm vẫn tăng nhanh trong bối cảnh Chính phủ thường xuyên kêu gọi " thắt lưng buộc bụng ”, ngẫm cho cùng không phải là chuyện bất ngờ. Thậm chí, có thể đoán trước được nếu nhìn lại việc thực thi một loạt các chương trình cắt giảm trong mấy năm qua.

Năm 2011, năm "đinh" về cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thì một loạt tỉnh, thành vẫn xin thêm vốn xây dựng trụ sở mới, tượng đài... Nhiều địa phương cũng chỉ cắt giảm các dự án đang còn trên giấy rồi lấy đủ các lý do để vẫn tiếp tục khởi công, khánh thành văn phòng, hội sở. Cắt giảm và nâng cao hiệu quả đầu tư công tới nay vẫn luôn là thách thức đối với chúng ta dù đây là giải pháp được đánh giá là cực kỳ hữu hiệu cho nền kinh tế.

"Càng cắt càng phình to" cũng là kết quả sau 5 năm (2007- 2012) thực hiện chương trình tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ. Thống kê cho thấy, nói là "tinh giản" nhưng thực chất, 90,5% đối tượng bị tinh giản là đến tuổi về hưu trong khi những đối tượng không đáp ứng được yêu cầu công việc hay thiếu tinh thần trách nhiệm thì lại thường nằm trong danh sách an toàn.

Với tình trạng hụt thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp tục đề xuất cắt giảm biên chế để giảm chi tiêu. Đề xuất này là hoàn toàn hợp lý nhưng thực hiện không dễ dàng. Cụ thể, đầu năm 2013 trong cuộc họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có 30% công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Tỷ lệ 30% công chức "ngồi chơi hưởng lương nhà nước" được nhắc đến rất nhiều trong các hội nghị, hội thảo, nghị trường Quốc hội và là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện tinh giản biên chế. Thế nhưng cách đây chưa đầy 1 tuần, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại khẳng định, chỉ có 1% tỷ lệ cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Liệu kế hoạch cắt giảm biên chế có thể triển khai hiệu quả không khi các con số còn khác nhau như nói trên?    

Tương tự, năm 2012 là năm đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm nhưng dư luận không khỏi choáng váng với các buổi lễ được tổ chức rất hoành tráng của rất nhiều tập đoàn - tổng công ty chỉ để công bố... việc cắt giảm chi phí, chống lãng phí. Những "ông lớn" này sau đó, hầu hết nằm trong danh sách thua lỗ, nợ nần và đòi tăng giá dịch vụ, sản phẩm...

Điểm qua một vài chương trình lớn để thấy, việc "phóng tay" trong chi tiêu của ta đã trở thành thói quen, thành căn bệnh mãn tính rất khó chữa. Kết quả là, ngân sách đang đứng trước nguy cơ hụt thu 60.000 tỉ đồng trong năm nay thì chi thường xuyên 8 tháng đầu năm đã lên tới 424.430 tỉ đồng, chiếm 65% dự toán năm; Trong khi chúng ta phải nâng lên, đặt xuống việc giảm thuế từ 25% xuống 22% hay 20%; giảm ngay trong năm nay hay qua đầu năm 2014 thì ngân sách vẫn phải chi cho bộ máy công chức cồng kềnh, thiếu hiệu quả; trong khi chúng ta đau đáu với việc tăng thu thuế, phí từ người dân, doanh nghiệp thì chi lễ hội, mua sắm tài sản công, xây dựng trụ sở mới vẫn còn ì xèo...

Vì vậy, chữa căn bệnh lãng phí ngân sách không chỉ, không nên bằng cách tăng thu mà tốt nhất hãy giảm thu để giảm chi. Giảm thu vừa có tác dụng nuôi dưỡng nguồn thu, vừa khiến chúng ta không có nhiều tiền để xài phí. Chỉ có như vậy, mới hy vọng trị được căn bệnh "vung tay quá trán" trong chi tiêu ngân sách đã tồn tại nhiều năm nay.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.