Sáng 5.7, Ban Tuyên giáo T.Ư đã tổ chức hội nghị báo cáo viên các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc T.Ư tháng 7.
Thủ đoạn chống phá "muôn hình vạn trạng"
Trong bài nói chuyện 75 phút về nội dung quán triệt Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng khẳng định tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Nhận diện 3 nhóm đối tượng thù địch, ông Thưởng cho hay, nhóm 1 bao gồm những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh chính trị giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Nhóm thứ 2 là lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài kết hợp với số chống đối, bất mãn trong nước để lập ra các tổ chức mà chúng ta hay nghe như Việt Tân, Việt Nam phục quốc…
Nhóm “thế lực thù địch” thứ 3, theo ông Thưởng, là lực lượng len lỏi, phức tạp không khó để nhận ra nhưng lại rất khó về đấu tranh đó là cán bộ đảng viên, kể cả có những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị của chúng ta, suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá.
Về phương thức, thủ đoạn chống phá của các đối tượng này, theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, là muôn hình vạn trạng, trong đó đặc biệt là sử dụng truyền thông đại chúng, sử dụng internet và truyền thông xã hội để chống phá.
"Cái kẻ chống mình, mọi thủ đoạn, mọi phương thức, thấy cái gì cũng chống. Một cái băng rôn sai chính tả, một băng rôn sai ngày tháng năm cũng thành câu chuyện để đả phá và tấn công vào đội ngũ của chúng ta. Nhưng người đấu tranh bảo vệ và phản bác lại thụ động hơn, lại phải chờ định hướng, thậm chí là chờ chế độ chính sách…”, ông Thưởng nêu.
Quán triệt nghị quyết là khâu yếu
Đề cập giải pháp trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, đầu tiên là phải tập trung đổi mới để nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Ông Thưởng nhận định, nhiều câu chuyện tiếu lâm chính trị mang tác dụng xấu không xuất phát ở các quán nước vỉa hè mà xuất phát từ chính những giảng viên chính trị, do đó, ông yêu cầu phải tăng cường bồi dưỡng, cập nhập kiến thức, xây dựng đội ngũ giáo viên lý luận chính trị đạt yêu cầu.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cũng yêu cầu làm rõ cơ sở lý luận thực tiễn, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới.
Theo ông Thưởng, trong thời gian qua, chúng ta đã có sự phát triển lớn về lý luận, chẳng hạn, chúng ta xác định các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng, xác định được những mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển mà chúng ta cần phải giải quyết trong quá trình quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta xác định được mô hình tổng thể về kinh tế đó là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa… Nhưng do cách hệ thống và phổ biến chưa hay nên người ta chưa thấy rõ sự phát triển đó.
|
“Tôi nói thật, Tổng bí thư hiện nay thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng. Tuy nhiên, Đảng ta với tinh thần khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân mà đề cao vai trò tập thể của Đảng cho nên đôi khi không tuyên truyền một cách đầy đủ làm cho chúng ta không thấy đủ, thấy hết hệ thống đầy đủ những thành tựu về mặt lý luận mà chúng ta đã đạt được”, ông Thưởng phân tích.
Bên cạnh đó, ông Thưởng cho rằng, cần phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước.
“Trong đánh giá các nghị quyết vẫn có một câu là tổ chức thực hiện nghị quyết là khâu yếu. Tôi cho rằng, quán triệt nghị quyết cũng là khâu yếu. Nhiều cuộc học nghị quyết tôi quan sát được tỷ lệ không nhỏ đảng viên ngồi dưới xem iPad, iPhone, đọc tin, nhắn tin”, ông Thưởng nói.
Nhóm giải pháp thứ 3, theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, là phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông, theo đó phải bổ sung những quy định pháp luật về quản lý báo chí mà hiện nay còn rất lỏng lẻo.
Theo ông Thưởng, ngay cả việc đơn giản là phân biệt giữa báo và tạp chí cũng chưa có quy định; xử phạt báo chí thì như gãi ghẻ vì vướng quy định xử phạt hành chính.
“Báo chí mà xử phạt 5, 10, 15 triệu thì không đủ sức răn đe. Thậm chí, quy định xử phạt cũng không có quy định tước giấy phép và thu hồi giấy phép hoạt động”, ông Thưởng nói, và nhấn mạnh thời gian qua xử lý báo chí chủ yếu bằng phương pháp của Đảng.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng nêu thực trạng, chúng ta không thừa nhận báo chí tư nhân song lại cho doanh nghiệp tư nhân hợp tác với các cơ quan báo chí trong một số khâu, dẫn đến tình trạng các cá nhân, tổ chức có thể tác động vào các cơ quan báo chí.
“Tình trạng này phải được chấn chỉnh, xử lý một cách mạnh mẽ hơn”, ông Thưởng nói, và dẫn thực trạng: “Ông muốn đánh doanh nghiệp hay ông cán bộ này làm một cái tin, đăng một tờ báo, tạp chí rất trời ơi, rồi dùng công nghệ thảy lên trang Báo mới, đưa lên mạng xã hội để tạo ra dư luận. Đây là đường đi của nó và hiện đang chỉ đạo khắc phục, xử lý cái này”.
Một nhóm giải pháp khác, theo ông Thưởng, là phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát các tổ chức đảng, đảng viên, chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, quy định của Đảng và kiên quyết xử lý kịp thời nghiêm minh đảng viên sai phạm.
Ông Thưởng dẫn trường hợp một đảng viên công tác tại Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM đưa hình ảnh nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước lên mạng gọi là tham nhũng, rồi phê phán cả Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, nhưng nhiều tháng không xử lý được.
“Riêng chuyện đó thôi cũng đủ khai trừ Đảng và đuổi khỏi cơ quan. Nhưng mà vì sao mấy tháng nay không làm được? Và điều này gợi lên những suy nghĩ không hay?”, ông Thưởng nói.
Cả thế giới đều lo lắng trước sự phát triển của mạng xã hội
Bên cạnh đó, ông Thưởng cũng cho rằng, cần phải nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý, sử dụng internet và mạng xã hội.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị cách đây 5 năm đã đưa ra quan điểm rất hay là khả năng quản lý tới đâu thì phát triển tới đó nhưng thời gian qua chúng ta đã để cho internet và mạng xã hội phát triển quá đà trong khi pháp luật chưa có dẫn đến nhiều khó khăn.
Ông Thưởng cho hay, thị trường mạng xã hội ở Việt Nam khoảng 1 tỉ đô la Mỹ trong đó Google, Facebook chiếm 13.000 tỉ đồng mà chưa thu thuế được.
“Họ chi lại cho thị trường Việt Nam khoảng 2.000 tỉ cho mấy ông làm video như Khá BảnH, Lâm Tuyền, một số chương trình khác... Các nhà mạng hưởng lợi 250 triệu đô la Mỹ, chừng 6.000 - 7.000 tỉ. Cái này phải tính toán, phải xử lý”, ông Thưởng nêu quan điểm.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cũng lưu ý cần phải có các biện pháp kỹ thuật để xử lý vấn đề này. “Internet là một xa lộ thông tin, chúng ta cho 4 làn, 6 lan hay 20 làn xe chạy, xe 4, 6, 8 bánh chạy là quyền của chúng ta. Đừng lo tự do internet là ảnh hưởng nhân quyền, tự do ngôn luận gì hết. Cả thế giới đều lo lắng trước sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông xã hội”, ông Thưởng bày tỏ; đồng thời, đề nghị từ nay tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mỗi địa phương chắt lọc đối tượng trên địa bàn, xử lý một vài đảng viên vi phạm, xử lý một vài cá nhân, công dân sử dụng internet, mạng xã hội vi phạm luật An ninh mạng, thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều.
Bình luận (0)