Cái áo cơ chế cho DNNN đã quá chật
Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết, luật hiện hành đang quá chi tiết, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, các quy định còn thể hiện sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động của DN. Do đó, Chính phủ đề xuất các quy định theo hướng "đầu tư vốn nhà nước tại DN" thay vì quy định chi tiết về "sử dụng vốn, tài sản".
Theo đó, việc huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ được giao cho DN quyết định. Điều này, theo ông Long, nhằm xác định rõ nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại DN, không can thiệp hành chính vào hoạt động của DN. Cùng đó, tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của DN.
Thảo luận tại tổ sau đó về dự án luật, nhiều đại biểu cũng cho rằng quy định hiện hành đang quá chặt chẽ, làm mất tính chủ động, tự quyết, thậm chí "trói chân, trói tay" DNNN. Đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nói hiện nay DNNN gần như mất quyền chủ động trong việc quyết định các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nguồn vốn của mình cũng như kết quả mình sản xuất ra. Ông dẫn ngay chuyện Quốc hội phải quyết định tăng vốn điều lệ cho Vietcombank trong khi đây là tiền do ngân hàng kinh doanh có lãi là "rất vô lý". Điều này khiến DNNN bị xơ cứng, không hiệu quả, không năng động như DN tư nhân.
Cùng quan điểm, ĐB Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Agribank, nhận xét cơ chế quản lý DNNN bây giờ như "cái áo đã quá chật". DNNN chỉ muốn có một cơ chế để đủ thông thoáng như tư nhân, đủ cởi mở để cạnh tranh một cách bình đẳng, sòng phẳng. Ông cho rằng nếu nhà nước đi vào quản lý từng hoạt động của DN sẽ dẫn đến DNNN mất quyền chủ động, khả năng cạnh tranh kém. "Trong khi đó, ai liều vẫn cứ liều, sai phạm vẫn xảy ra, lãnh đạo bị xử lý và tiền vẫn mất", ĐB Ấn nói.
ĐB đoàn TP.HCM Trương Trọng Nghĩa thì cho rằng hiện việc không phân định rõ vốn nhà nước và vốn tại DNNN với quy định phải bảo toàn vốn nhà nước đã khiến nhiều cán bộ vướng vòng lao lý do đầu tư vốn nhà nước bị thua lỗ. "Tôi nghĩ rằng, nếu như quản lý giống nhau sẽ dẫn tới chỗ trói chân, trói tay DN và nhà đầu tư sẽ không vào", ông Nghĩa nêu.
Can thiệp hành chính làm méo mó thị trường
Phát biểu thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án luật phải được thiết kế với tinh thần đổi mới tư duy vận hành, quản lý để huy động tối đa nguồn lực giúp đất nước phát triển, bước vào kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.
Theo Thủ tướng, nội lực rất quan trọng bắt nguồn từ cơ chế, chính sách. Khi cơ chế, chính sách đúng hoàn cảnh cụ thể, xu thế thì có thể nhân đôi, nhân ba sức mạnh, giúp chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế "như khoán 10, khoán 100 trước đây giúp chúng ta từ thiếu gạo thành nước xuất khẩu gạo ngay".
Thủ tướng cũng thừa nhận, mô hình quản lý DNNN hiện chưa ổn định, do đất nước còn trong quá trình phát triển. Vì vậy, quá trình làm, nghiên cứu mở rộng dần với tinh thần không cầu toàn, cũng không nóng vội, "cái gì được thì giữ, cái gì không được thì loại".
"Tôi suy nghĩ hoạt động DN phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung - cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính được. Can thiệp hành chính thì méo mó thị trường, không đúng quy luật, tư duy phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Với quan điểm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng kế hoạch kinh doanh của DNNN nên giao cho hội đồng quản trị quyết định, miễn làm sao bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính phủ, cơ quan quản lý có công cụ để định hướng, kiểm tra, giám sát. "Ngay mô hình hiện nay đặt tên là quản lý (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN - PV) thành ra nặng quản lý. Mà không quản được lại cấm, rồi can thiệp bằng biện pháp hành chính là không phù hợp quy luật thị trường", Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền với quan điểm: đầu tư công thì thực hiện theo luật Đầu tư công; còn vốn của tập đoàn, DN đầu tư vào đâu thì hội đồng quản trị quyết định và chịu trách nhiệm chứ không phải đi xin thêm các cấp hành chính.
"Thủ tướng cho ý kiến cũng là hợp thức hóa, cho chủ trương thôi chứ làm sao quyết định được chỗ này. Rồi xin ý kiến lòng vòng nhiều cơ quan, một cơ quan không đồng ý lại lấy lại. Phải phân cấp mạnh ra, quan trọng là kịp thời, đúng lúc. Tổng Bí thư có nêu lãng phí thời gian, thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, khi đánh giá DN cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một. Thủ tướng nêu ví dụ trong 10 việc được giao, có thể 2 - 3 việc họ làm chưa tốt, thua lỗ nhưng "tổng thể vẫn dương" là bảo toàn và phát triển vốn. "DN tư nhân làm rất nhanh, có bao giờ đấu thầu đâu, nhưng làm rất đúng, ai làm tốt thì cho người ta làm, không xin. Ta cái gì cũng đấu thầu cả nhưng cuối cùng vẫn quân xanh, quân đỏ, cuối cùng kỷ luật liên tục. Làm sao rút ra kinh nghiệm trong việc này chứ", Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị rà soát thiết kế công cụ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, dứt khoát bỏ tư duy không quản lý được thì cấm.
Yêu cầu hạ giá bất động sản, đánh thuế người nhiều nhà, đất
Chiều 23.11, với 421/423 ĐB tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giám sát về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) từ năm 2015 đến hết năm 2023".
Quốc hội yêu cầu Chính phủ có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có sự thay đổi.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ thực hiện giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, bảo đảm tiến độ, chất lượng và phù hợp với nhu cầu, điều kiện làm việc, sinh sống của đối tượng thụ hưởng.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp căn cơ, dài hạn để đưa giá bất động sản về đúng giá trị nội tại, ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích tạo "sốt" giá.
Cùng đó, Quốc hội yêu cầu sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Bình luận (0)