Mở đầu diễn đàn trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ 11, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đặt vấn đề với 125 đại biểu ưu tú tham dự diễn đàn, rằng cần nêu ra mô hình, giải pháp, khó khăn, cách làm thiết kế của Đoàn, thanh niên địa phương, nơi đại biểu công tác. Từ đó, đề xuất với Bộ TN-MT với vai trò cơ quan chức năng nhà nước phụ trách lĩnh vực về cơ chế hỗ trợ, phối hợp để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nhiều đại biểu tham dự diễn đàn nhất trí quan điểm biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu. Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều về vấn đề này. Chúng ta không thể chống lại được biến đổi khí hậu mà cần có giải pháp chủ động ứng phó, sống chung sao cho hài hòa. Một trong những giải pháp đầu tiên là cần đầy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân cùng hiểu biết, tham gia. Trong đó, vai trò dẫn đầu định hướng của Bộ TN-MT rất quan trọng.
“Bảo vệ Môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu luôn là vấn đề cồn cào của thế giới, bức thiết tại Việt Nam, do nước ta chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu, xã hội đặc biệt quan tâm. Do vậy, Bộ TN-MT đặc biệt coi trọng vấn đề này và có nhiều chương trình, mục tiêu hành động nhằm chủ động ứng phó trước những biến đổi khôn lường của thiên nhiên. Để hiện thực hóa các kế hoạch hành động, chương trình thì vai trò của lực lượng thanh niên, đặc biệt là các nhóm thanh niên xung kích luôn rất quan trọng, tạo động lực cho xã hội cùng hưởng ứng”, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
tin liên quan
Không thể chần chừ với biến đổi khí hậuTrong thời tiết lạnh tê tái ở Bonn, câu chuyện về số phận trái đất lại đang “đốt” nóng các diễn đàn tại COP 23 - Hội nghị thường niên lần thứ 23 về biến đổi khí hậu của LHQ.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường sống, đảm bảo phát triển bền vững xanh, sạch, đẹp. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, từ đầu những năm 1970, vấn đề bảo vệ môi trường mới được nhiều nước trên thế giới đặt ra. Dù nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững muộn hơn một số nước, Việt Nam luôn là nước tích cực tham gia các chương trình, công ước hưởng ứng bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các vấn đề về chất thải, sa mạc hóa, nước thải... Việt Nam đều hội nhập rất sâu rộng.
“Nước ta đã ban hành được chiến lược bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu... Ngoài ra, có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, T.Ư về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng đã được ban hành. Chủ trương, biện pháp của ta đã khá đầy đủ, chỉ còn cụ thể hóa và thực hiện”, Bộ trưởng Hà nói.
Bộ trưởng Hà cũng đồng thời nhấn mạnh: “Công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, trong thời gian dài chúng ta đã phải chấp nhận để có kinh tế. Nhưng đến nay, Chính phủ đã chỉ đạo, không chấp nhận đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế hay bất cứ thứ gì. Không thỏa hiệp với các hành vi gây ô nhiễm môi trường”.
Đại biểu Hồ Quang Huy đến từ Bộ Tư pháp đề xuất, cần có bộ tiêu chí rõ ràng về giám sát thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, và lực lượng thanh niên cần tích cực tham gia giám sát. Đại biểu Huy cũng thẳng thắn đặt câu hỏi trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà: hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường tương đối đầy đủ, tương thích với pháp luật về môi trường nói chung của các nước trên thế giới, tuy nhiên thực thi vẫn còn nhiều hạn chế. Với vai trò là tư lệnh ngành, Bộ trưởng cần làm gì để có hiệu quả hơn?
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ TN-MT chia sẻ, có nhiều quy định, điều luật khó được thực thi như về giao thông, cấm thuốc lá và ngay cả trong ngành tài nguyên môi trường. “Nhưng cũng phải thừa nhận chất lượng xây dựng văn bản rõ ràng là chưa chuyên nghiệp. Chất lượng văn bản pháp luật chưa thực sự có tính hệ thống, đồng bộ về pháp lý”, Bộ trưởng Hà nói.
Cũng theo Bộ trưởng, muốn đưa quy định pháp luật vào đời sống, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức. Bên cạnh đó, cần phải có chế tài đủ mạnh. Đoàn thanh niên cần am hiểu về pháp luật, thực thi pháp luật nghiêm sẽ thúc đẩy cộng đồng dân cư ở nơi sinh sống, làm việc thực hiện theo.
tin liên quan
Hội thi 'Quân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2017'Hội thi 'Quân đội với nhiệm vụ bảo vệ môi trường' vừa được tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa) tối 12.10.
Kiểm soát xả thải ra biển phải chặt chẽ
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu đoàn thanh niên cũng chia sẻ về các chương trình bảo vệ môi trường sống, bảo vệ môi trường biển ở quê hương, nhất là môi trường biển ở các tỉnh miền trung sau sự cố Formosa xả thải.
Các đại biểu đại diện đến từ Quảng Bình, Quảng Ninh cho biết, thường xuyên phát động các chương trình hành động dọn rác trên bãi biển, tuyên truyền người dân, du khách không vứt rác bừa bãi xuống biển. Đồng thời, tiến hành nhiều chương trình thả sinh vật sống, hải sản về biển để góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản. Các chương trình này thường lôi kéo được lãnh đạo tỉnh, người có uy tín tham dự, giúp lan tỏa, tạo hiệu ứng khá tốt.
Chia sẻ thêm về vấn đề bảo vệ môi trường biển, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần phát huy tốt các chương trình, kế hoạch phong trào đầy ý nghĩa của thanh niên như vớt rác thải, thải sinh vật biển, làm sạch ven biển... đồng thời, giảm thiểu hoạt động công nghiệp gần ven biển, kiểm soát xả thải ra biển chặt chẽ. Phải tập huấn công tác sự cố biển: sự cố tràn dầu, vớt rác thải, nạo vét luồng lạch. Nhân dịp này, nên kêu gọi thanh niên cả nước, chung tay xung kích, năng động sáng tạo trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Kết thúc thảo luận diễn đàn, anh Lê Quốc Phong khẳng định: “Đoàn thanh niên sẽ luôn coi bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của mình. Luôn đặt các vấn đề bức thiết này vào nội dung trọng tâm các chương trình, kế hoạch hành động của phong trào thanh niên xung kích. Đồng thời, lãnh đạo đoàn sẽ nỗ lực phối hợp tốt với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TN-MT để hình thành các đề án, chương trình cho tuổi trẻ tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Bình luận (0)