(TNO) “Áo Blouse (blu) ngả màu... cháo lòng; xuất hiện trong quán ăn, ngoài chợ cùng với đôi dép lê loẹt quẹt là hình ảnh đang diễn ra tại một số cơ sở y tế, gây phản cảm trong mắt người dân. Bởi vậy ngành y tế đang khởi động cho cuộc đổi mới về trang phục ngành - giúp tạo nề nếp hơn trong môi trường công tác, thêm sự hài lòng của người dân khi đến cơ sở y tế”, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám - Chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám - Chữa bệnh, Bộ Y tế - Ảnh: Ngọc Thắng
|
|
Trang phục mới ngành y sẽ có màu sắc, thiết kế giúp phân định rõ ràng vị trí công tác - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Ông Khuê nhận xét, hiện nay, trang phục y tế chưa thống nhất trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; rồi guốc, dép của người hành nghề không đúng quy định; hiện tượng dép lê, guốc đủ các loại màu sắc, đi lại loẹt quẹt, gây tiếng ồn nơi bệnh phòng.
Trang phục của một số cán bộ, viên chức y tế cũ kỹ, ngả màu, không bảo đảm phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, không tạo được niềm tin tưởng, tôn trọng và hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh.
"Thậm chí, một số cán bộ, viên chức y tế sử dụng trang phục y tế không đúng quy định: mang áo blu không cài khuy; mang trang phục xuất hiện tại các nhà hàng, quán ăn. Hình ảnh đó rất gây phản cảm với người dân", ông Khuê nói.
* Trang phục mới của ngành Y sẽ khắc phục được các bất cập cũ như thế nào, thưa ông?
Như mọi người đều thấy, trang phục y tế hiện nay gần như đồng loạt là màu trắng, kiểu thiết kế chưa có sự khác biệt rõ. Tại một số bệnh viện, nhân viên hành chính, nhân viên thu ngân cũng mặc blu trắng tương tự bác sĩ. Thực tế đó khiến người bệnh và người nhà chưa dễ dàng nhận diện được cán bộ, viên chức y tế qua trang phục. Thậm chí cứ ai mặc áo trắng mắc lỗi trong công việc cũng quy tội cho bác sĩ. Chúng tôi đang hướng đến việc thay đổi trang phục sẽ phù hợp, phân định rõ ràng với từng vị trí chuyên môn, qua đó, giúp người bệnh dễ nhận biết, thuận lợi hơn khi cần trao đổi về công việc khi đến bệnh viện.
Ngoài ra, kiểu cách thiết kế, quy định về trang phục y tế của một số đối tượng được quy định từ năm 2004 chưa thật phù hợp. Ví dụ như, cổ áo của điều dưỡng được thiết kế quá cao, không phù hợp với thời tiết nóng nực của miền Bắc; thiết kế áo blu chưa có khuy cài biển công tác; nhân viên hành chính, nhân viên đón tiếp, nhân viên thu ngân chưa có quy định về trang phục
Thậm chí, có tình trạng lạm dụng trang phục y tế, sử dụng không đúng mục đích. Từng có hiện tượng kẻ xấu mặc áo blu giả dạng viên y tế để lừa người đi khám bệnh; hoặc áo của bệnh viện công đem ra bên ngoài, tại cơ sở tư để lấy thương hiệu.
* Vậy khi nào sẽ có trang phục mới trong các cơ sở điều trị và dự tính chi phí cho việc đổi mới trang phục của ngành là bao nhiêu?
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đang thành lập Ban soạn thảo Thông tư quy định về trang phục y tế, dự kiến ban hành trong tháng 5 tới; sau đó, hình ảnh trang phục sẽ được đăng tải rộng rãi tiếp nhận ý kiến đóng góp.
Việc đổi mới trang phục sẽ không phát sinh lớn về kinh phí bởi hàng năm các bệnh viện vẫn phải dành chi phí cho mua trang phục, chỉ có khác là thay vì mua trang phục theo mẫu cũ thì sẽ đặt may theo mẫu mới, được thống nhất trong toàn ngành.
Dự kiến các mẫu trang phục mới ngành Y
1. Trang phục bác sĩ: Giữ nguyên mầu sắc và kiểu dáng được quy định từ 2004
- Áo Blu, cổ bẻ Danton, kiểu dài tay và ngắn tay, chiều dài áo quá gối 5cm -10cm, phía trước có 3 túi; phía sau: nam xẻ giữa tới ngang mông, nữ không xẻ, có khuy cài biển công tác trên ngực trái.
- Quần âu hai ly, túi chéo, cạp chun 2 bên hông, không có túi sau.
2. Trang phục điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên: có 2 phương án
PA 1: Mầu trắng chung cho các. Túi áo, tay áo viền xanh dương, cổ áo 2 ve.
PA2: Màu xanh nhạt.
3. Trang phục dược sĩ:
Dược sĩ đại học và sau đại học: Trang phục giống bác sĩ
Nhân viên dược khác: Trang phục giống điều dưỡng
4. Nhân viên hành chính, thu ngân: Có 2 phương án
PA1: Áo sơ mi mầu trắng, quần hoặc chân váy sẫm màu
PA2: Áo sơ mi mầu xanh nhạt, quần hoặc chân váy sẫm màu
5. Quy cách, màu sắc trang phục nhân viên tiếp đón:
Trang phục giống như điều dưỡng, đeo băng nhân viên tiếp đón ở cánh tay.
|
Bình luận (0)