Khống chế lợi nhuận, quản lý giá thuốc trong bệnh viện

19/10/2024 18:32 GMT+7

Để quản lý chặt chẽ giá thuốc, dự thảo luật Dược sửa đổi đề xuất các biện pháp quản lý: niêm yết giá bán buôn, giá bán lẻ; đàm phán giá thuốc; quy định thặng số bán lẻ tối đa đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ thuốc trong y tế công.

Quy định thặng số bán lẻ, quản lý giá thuốc

"Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số" là chủ đề hội thảo do Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Hà Nội ngày 19.10, mang đến những giải pháp tối ưu cho ngành dược phẩm từ áp dụng công nghệ số trong quản lý và phát triển cũng như giá thuốc.

Tại hội thảo, ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế hội nhập, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết tháng 10 này, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược 2016 được trình Quốc hội xem xét thông qua.

Khống chế lợi nhuận, quản lý giá thuốc trong bệnh viện- Ảnh 1.

Áp dụng quy định thặng số bán lẻ để quản lý giá thuốc bán lẻ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập

ẢNH: LIÊN CHÂU

Dự thảo luật Dược sửa đổi xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Về quản lý giá thuốc, vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội được điều trị của người bệnh, trong bối cảnh quỹ bảo hiểm y tế và khả năng chi trả của người bệnh còn hạn chế, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đánh giá, Việt Nam hiện là một trong những nước ASEAN quản lý giá thuốc tốt nhất, chỉ số tăng giá thuốc nằm trong nhóm thấp nhất các ngành. Nguyên tắc quản lý giá thuốc phải tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp các mặt hàng cần bình ổn giá hoặc trong thiên tai, dịch bệnh.

Chia sẻ thêm về giá thuốc đảm bảo quyền lợi của các bên và minh bạch thông tin đến người bệnh, ông Trung cho biết, dự thảo luật sửa đổi đang bổ sung một số điều của luật Dược về kê khai giá để phù hợp với luật Giá.

Cụ thể, trước đây, việc kê khai giá thuốc thực hiện theo các quy định tại luật Dược 2016 và các nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, đến ngày 1.7.2023, luật Giá năm 2023 có hiệu lực và trên cơ sở các quy định mới, kể từ ngày 1.7. 2024, việc kê khai giá thuốc thực hiện theo quy định tại luật Giá năm 2023 và Nghị định số 85/2024/NĐ-CP.

Khống chế lợi nhuận, quản lý giá thuốc trong bệnh viện- Ảnh 2.

TS Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, nhấn mạnh về các biện pháp kê khai, quản lý giá thuốc cần được thực thi hiệu quả

ẢNH: BTC

Để triển khai quy định mới về kê khai giá thuốc theo luật Giá 2023, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện các bước theo đúng quy trình xây dựng văn bản để ban hành thông tư ban hành danh mục thuốc thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kê khai giá, bảo đảm tiến độ ban hành trước ngày 31.10.2024.

Dự thảo thông tư đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Y tế để xin ý kiến rộng rãi các đơn vị liên quan.

Theo ông Trung, nguyên tắc chung trong quản lý giá thuốc là doanh nghiệp nhập khẩu sản xuất công bố giá thuốc. Ngay khi công bố giá và được xác nhận từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp dược được đưa thuốc ra thị trường, thay vì phải chờ đợi giá đó được đăng tải trên trang web của Cục Quản lý dược.

Cục Quản lý dược sẽ rà soát, có kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố, công bố lại trong quá trình thuốc lưu hành trên thị trường, trong trường hợp giá công bố không hợp lý.

Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ giá thuốc, dự thảo luật dược cũng đề xuất quy định các biện pháp quản lý giá thuốc: niêm yết giá bán buôn, giá bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật về giá; đàm phán giá thuốc đối với các gói thầu mua thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định của pháp luật về đấu thầu; quy định thặng số bán lẻ tối đa đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập…

Cần quản lý bán thuốc online

Theo đánh giá của ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, hiện chưa có quy định về mua bán thuốc online. Bộ Y tế đề xuất đưa vào quy định liên quan đến phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định nhất định.

"Doanh nghiệp kinh doanh thuốc online cũng phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, con người và giấy phép đủ điều kiện kinh doanh về dược. Đảm bảo thuốc có nguồn gốc xuất xứ, an toàn cho người dân và phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc", đại diện Cục Quản lý dược cho biết.

Dự thảo luật Dược sửa đổi cũng giới hạn những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ thuộc nhóm không được bán online, mà chỉ được bán online thuốc thuộc danh mục không kê đơn.

Đáng lưu ý, Cục Quản lý dược đang triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dược, khi hoàn thiện sẽ kết nối liên thông từ nhà thuốc, cơ sở sản xuất thuốc và cơ sở phân phối thuốc. Như vậy, có thể truy được nguồn gốc xuất xứ thuốc và xa hơn hệ thống này sẽ liên thông với cơ sở dữ liệu về kê đơn thuốc quốc gia. Mục tiêu để bác sĩ kê đơn, đến khi đơn thuốc được chuyển đến nhà thuốc, có thể truy lại "đường đi' của thuốc, giúp quản lý chất lượng thuốc hiệu quả hơn nữa.

Hội thảo "Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - giải pháp từ chuyển đổi số" có sự tham dự của các đại biểu đến từ Ủy ban Xã hội Quốc hội, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược và đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng gợi mở, thảo luận các mô hình quản lý tiên tiến trên thế giới, vận dụng chuyển đổi số thúc đẩy ngành dược trong nước phát triển bền vững. Các hiến kế, đề xuất tại hội thảo hướng đến góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát việc cung ứng dược phẩm, tháo gỡ các rào cản không cần thiết mang đến lợi ích thiết thực nhất cho người bệnh tiếp cận thuốc một cách dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.