Con số này có thể chỉ là một hiện tượng cá biệt nhưng lại phản ánh thực trạng đã tồn tại nhiều năm nay ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM... và cả một vài địa phương khác. Quá tải sĩ số học sinh (HS) gây thiếu phòng học, cơ sở vật chất hạn chế, không thực hiện các mục tiêu đổi mới dạy và học dẫn đến lo ngại về chất lượng giảng dạy.
tin liên quan
Áp lực gia tăng học sinh lớp 1Điều đáng nói, hiện nay thực trạng này không phải diễn ra ở các trường điểm, quận trung tâm mà chủ yếu là những những khu vực đô thị hóa nhanh, tăng dân số cơ học, có nhiều người nhập cư và đã diễn ra nhiều năm nay nhưng khả năng giải quyết là rất thấp.
Mấy mươi năm trước, khi đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc thiếu trường, thiếu lớp là lẽ đương nhiên khiến có không ít thế hệ HS phải học ca 3. Tưởng câu chuyện này đã trở thành “lịch sử” nhưng vài năm trước thôi, vẫn có lớp học ca 3 ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Còn sĩ số lớp học tăng gấp đôi so với quy định là câu chuyện hầu như đến hẹn lại lên cứ vào mỗi đầu năm học mới. Mặc dù năm học nào cũng có nhiều phòng học mới được xây dựng, nâng cấp nhưng những con số này quá nhỏ so với đà tăng số lượng HS, mà nguyên nhân là do nguồn ngân sách hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài...
Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến bắt đầu áp dụng trong năm học tới. Tuy nhiên, để thực hiện được, một trong những yêu cầu cơ bản là HS phải học 2 buổi/ngày. Thế nhưng hiện nay đảm bảo chỗ học cho HS còn khó nên rất nhiều nơi chưa thể cho HS học 2 buổi/ngày. Rồi làm sao đổi mới dạy và học theo hướng tăng cường chủ động cho HS, hướng đến từng cá nhân... khi mà HS còn chật vật với chỗ học? Bởi vậy, khi mới đây Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội đề xuất không tổ chức dạy học vào thứ bảy, ai cũng thấy hay nhưng khi phân tích thì vô cùng bối rối. Vì muốn cho HS nghỉ học thứ bảy thì điều trước tiên phải học 2 buổi/ngày. Mà điều này lại quá nan giải tại không ít trường hiện nay.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, giáo dục ở các nước đã có những đổi thay ngoạn mục, thậm chí đã vượt xa những khái niệm lâu nay về cách dạy và học. Thế mà chúng ta vẫn cứ loay hoay với những điều cơ bản nhất để trẻ em được thực hiện quyền đến trường. Đó là đủ chỗ học, được miễn học phí ít nhất 9 năm giáo dục cơ bản, được nghỉ học ngày thứ bảy để tham gia các hoạt động cộng đồng...
Vậy thì, hội nhập giáo dục với thế giới như thế nào đây?
Bình luận (0)