'Không có chuyện Thanh Hóa ép buộc người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ'

12/05/2020 18:55 GMT+7

Cả người dân và chính quyền xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đều khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng xã hội , cho rằng chính quyền địa phương ép buộc người dân từ chối nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ là bịa đặt .

Ngày 12.5, UBND xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã có báo cáo gửi các đơn vị liên quan, nội dung bác bỏ thông tin cho rằng “chính quyền ép buộc người dân tình nguyện không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ, hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19”.
UBND xã Xuân Sinh khẳng định, thông tin một số người lan truyền trên mạng xã hội cho rằng chính quyền ép buộc người dân là không chính xác, có dấu hiệu xuyên tạc, gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Lá đơn tình nguyện không nhận tiền hỗ trợ của gia đình ông Quang là đúng sự thật, không có sự ép buộc

Ảnh Minh Hải

Cụ thể, sau khi chính quyền xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân) cho trả trả tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng của Chính phủ, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngày 11.5 trên mạng xã hội facebook, nhiều tài khoản cá nhân đăng tải hình ảnh lá đơn tình nguyện xin không nhận tiền hỗ trợ của gia đình ông Lê Xuân Quang (44 tuổi, ngụ tại thôn 4, xã Xuân Sinh), kèm lời dẫn và các bình luận cho rằng ông Quang bị chính quyền ép buộc “tình nguyện không nhận tiền hỗ trợ”.
Nhiều người cũng bình luận cho rằng, cách chính quyền in mẫu đơn cho người dân ký làm thiếu tính dân chủ, và không thể hiện hết được tính tự nguyện của người dân, khiến dư luận nghi ngờ.
"Do có nhiều người từ chối nhận tiền hỗ trợ nên xã phải làm mẫu đơn"
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Lê Xuân Quang (người có tên trong lá đơn lan truyền trên mạng xã hội) khẳng định, đơn tình nguyện gia đình ông không nhận tiền hỗ trợ là do chính ông ký, và hoàn toàn tự nguyện.
“Hôm 30.4, tôi có đến UBND xã và chủ động đề nghị với các cán bộ xã tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Gia đình tôi có 4 khẩu, khó khăn nhất là 2 đứa con, nhưng giờ các cháu đã lớn cả rồi. Tuy đang là hộ cận nghèo, nhưng nghĩ còn làm lụng được, nhiều người còn khó khăn hơn, nên tôi mới bàn với các thành viên trong nhà, rồi quyết định không nhận tiền”, ông Quang nói.
Ông Quang cũng cho biết thêm, bản thân ông đã biết thông tin người khác đăng tải lá đơn của ông và nói không đúng sự thật trên mạng xã hội. “Khi biết họ lan truyền thông tin trên mạng, tôi rất bức xúc, nhưng không biết làm gì để ngăn việc đó được”, ông Quang nói.

Trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hàng ngàn người dân ở Thanh Hóa đã tình nguyện không nhận tiền hỗ trợ để chia sẻ khó khăn với Chính phủ

Ảnh Minh Hải

Ông Lê Chí Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh cũng khẳng định, thông tin lan truyền trên mạng xã hội là bịa đặt. Về mẫu đơn được in sẵn, ông Tuấn lý giải: "Khi ở thôn lập danh sách, thì người dân đã tự nguyện không nhận tiền rồi. Đến lúc thôn gửi danh sách lên, chúng tôi mới biết là có người dân không nhận tiền. Vì để làm bằng chứng thanh toán tiền với tài chính nên cần phải có giấy tờ, hồ sơ lưu. Ban đầu người dân viết đơn bằng tay, nhưng ngày càng có nhiều người tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ, nên cán bộ chính sách mới làm mẫu đơn để tiện lợi hơn cho người dân, chứ không hề có chuyện ép buộc hay gợi ý gì cả”.
Sẽ chuyển trả lại tiền người dân từ chối nhận hỗ trợ vào ngân sách
Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng gì 112 người dân ở xã Xuân Sinh tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ, mà nhiều xã khác ở huyện Thọ Xuân cũng có hàng trăm người dân tình nguyện không nhận tiền, như các xã Thuận Minh (239 người), Xuân Phong (850 người), Xuân Lập (577 người)…
Theo thống kế của UBND huyện Thọ Xuân, tính đến ngày 12.5, toàn huyện này đã có hơn 2.400 người dân tình nguyện không nhận tiền hỗ trợ, ước số tiền người dân từ chối nhận khoảng hơn 1,5 tỉ đồng.
Ông Trịnh Ngọc Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa, cho biết đến ngày 12.5 chưa có số liệu tổng hợp trên địa bàn toàn tỉnh về số lượng người dân tình nguyện không nhận tiền hỗ trợ.
“Chúng tôi đã giao cho ngành chuyên môn ở các đơn vị cấp huyện tổng hợp và báo cáo cụ thể danh sách hộ gia đình, cá nhân tình nguyện không nhận tiền hỗ trợ. Vì số lượng nhiều, nên vẫn chưa tổng hợp xong”, ông Dũng nói và cho biết, sau khi chi trả cho người dân, số tiền mà các hộ từ chối nhận hỗ trợ sẽ được tỉnh chuyển trả lại cho ngân sách.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.