Không có cơ chế ưu tiên về kinh phí SEA Games 31

22/02/2022 09:56 GMT+7

Kinh phí tổ chức SEA Games 31 được phân bổ muộn đã ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị cho đại hội. Tuy nhiên, ban tổ chức và các đơn vị có liên quan vẫn phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về tài chính, không có bất kỳ sự ưu tiên nào về cơ chế.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khoản tiền tổ chức đại hội, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, đã phải rút bớt so với dự kiến ban đầu. Cũng phải đến giữa tháng 1 vừa qua, Ban tổ chức (BTC) SEA Games mới nhận được 301 tỉ đồng trong khoản kinh phí 750 tỉ đồng được Quốc hội phê duyệt (chưa tính đến tiền sửa chữa cơ sở vật chất vào khoảng 500 tỉ đồng). Số tiền 449 tỉ đồng còn lại, ngành thể thao vẫn phải chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên có thể phải đến giữa quý 2/2022 mới được giải ngân. Ngày 20.2, Tổng cục TDTT đã có tờ trình sang Bộ VH-TT-DL để bộ tiếp tục có công văn gửi Bộ Tài chính, sớm báo cáo Chính phủ về khoản chi còn lại. Như vậy sẽ cần thêm một khoảng thời gian nhất định để triển khai các công việc liên quan đến thủ tục tài chính. Việc tiền “đến chậm” dĩ nhiên sẽ khiến BTC gặp rất nhiều khó khăn.

Từng được sử dụng làm bệnh viện dã chiến khi Covid-19 bùng phát mạnh, một nhà thi đấu đã được ngành TDTT lấy lại mặt bằng để phục vụ SEA Games

Đ.HUY

Trong cuộc họp do Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng chủ trì vào hôm qua (21.2), ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT và các trưởng tiểu ban của BTC đại hội đã báo cáo rõ vì nguồn kinh phí phân bổ muộn nên một số hạng mục gặp khó khăn trong việc thực hiện đấu thầu. Theo quy định của luật Đấu thầu, những dự án từ 100 triệu đồng trở lên bắt buộc phải tiến hành đấu thầu chứ không được chỉ định thầu. Tất cả dự án liên quan đến mua sắm trang thiết bị của SEA Games 31 đều có giá trị vài trăm triệu đồng trở lên nên không được phép đi ngược lại quy định của pháp luật. Dù thời gian đã rất gấp nhưng sẽ không có cơ chế ưu tiên.

Ngoài sự chậm trễ về kinh phí, sau khi đi thị sát các công trình phục vụ công tác thi đấu ở Hà Nội và các địa phương, BTC nhận thấy một số nơi còn chưa làm đúng tiến độ vì vấp phải yếu tố khách quan. Nhiều địa điểm còn có vấn đề như nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội), Hải Dương. Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng yêu cầu Tổng cục TDTT, các tiểu ban cần đưa ra những giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng khẳng định: “Việc tổ chức thành công SEA Games 31 được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, là danh dự, uy tín của quốc gia. Ngành TDTT nêu cao tinh thần đoàn kết và trách nhiệm để tổ chức thành công SEA Games 31 từ thành tích đến công tác tổ chức. Thể thao là phải hành động, quyết liệt, hiệu quả và cống hiến. Tôi yêu cầu các đơn vị phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, thường xuyên rà soát, báo cáo để lãnh đạo Bộ VH-TT-DL nắm tình hình, tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Thể thao Việt Nam đã mở đầu năm 2022 bằng thành tích của 2 đội tuyển bóng đá nam và nữ. Tuy nhiên, ngành thể thao không nên ngủ quên trên chiến thắng, vui nhưng không chủ quan mà phải quyết liệt hành động để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong năm nay. Tổ chức SEA Games 31 không phải là làm để chơi, qua loa, đại khái, ngành thể thao phải đặt quyết tâm cao nhất, tổ chức và thi đấu một cách tốt nhất”. Lãnh đạo ngành yêu cầu, mọi công việc phải tuân thủ theo đúng quy định của nhà nước và pháp luật.

Đã xuất hiện Covid-19 tại Trung tâm Nhổn

Theo ông Trần Đức Phấn, danh sách đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31 sắp được thành lập. Hiện tại, các đội tuyển đang gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 lây lan chóng mặt. Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) đã xuất hiện vài chục ca Covid-19 (HLV, VĐV) dù vẫn tập luyện theo quy trình bong bóng. Hiện những ca F0 đã được cách ly tại khu vực riêng. Ông Phấn nói: “Bên cạnh việc chuẩn bị về chuyên môn, công tác đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19 cũng được ngành đặt lên hàng đầu. Dù đang đứng trước rất nhiều thách thức nhưng các HLV, VĐV vẫn tập luyện tích cực để đoàn Việt Nam có thể có mặt trong tốp đầu đại hội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.