Người thanh niên Nguyễn Tất Thành được sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước ở vùng đất Nghệ An. Thân sinh của Người là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, là một nhà nho đỗ đạt, nhưng trong tư tưởng của nhà nho ấy không phải là tư tưởng "trung quân ái quốc", mà là "ái quốc là ái dân": yêu nước là phải yêu dân, yêu dân là phải yêu nước. Chính tư tưởng tiến bộ này đã đặt nền móng, hình thành rất sớm tư tưởng yêu nước, thương dân của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là vì mục đích: "độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi".
Ngày 3.2.1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng, thành lập chính đảng của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng đã khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam "làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản". Như vậy, trong Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng, đã xác định rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Tháng 5.1941, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết hội nghị khẳng định: "Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi được tự do, độc lập cho toàn dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được". Nghị quyết của hội nghị thể hiện một cách sâu sắc và hoàn chỉnh đường lối giải phóng dân tộc, đánh dấu bước tiến mới trong tư duy cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng. Đây là hội nghị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng đối với cách mạng nước ta. Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 8 và những chủ trương sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố và khẳng định ý chí, quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam để giữ vững quyền độc lập, tự do. Khi cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 20.12.1946 Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với tinh thần "Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra 9 năm, đầy gian khổ, khó khăn, nhưng với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", thực dân Pháp đã phải chấp nhận thua và kéo cờ trắng đầu hàng.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, đối với dân tộc ta là một khó khăn, thách thức lớn, vì lúc này chúng ta phải đối diện với kẻ thù có thực lực về kinh tế, quân sự. Nhận định được tình hình đó, quan điểm của Đảng và Hồ Chí Minh là tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực của khối đại đoàn kết toàn dân, bởi chính sức mạnh nội lực dân tộc đã bảo vệ vững chắc thành trì của độc lập dân tộc. Ngay thời kỳ chuẩn bị cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên phạm vi cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể thắng lợi được". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước trở thành một cơ thể thống nhất, từ đất liền ra hải đảo, không thể tách rời, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".
Tiếp đó, khi Mỹ trực tiếp đưa quân đội và quân chư hầu vào Việt Nam, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, ngày 17.7.1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, kêu gọi toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước muôn người như một, bảo vệ chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Trong cuộc chiến đấu gian khổ ấy, nhân dân ta nhất định thắng lợi, vì chúng ta đang tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa với sức mạnh toàn dân để giành và giữ độc lập cho dân tộc, tự do cho tất cả người dân. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nguồn động lực mới góp phần thắt chặt thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện khát vọng độc lập, tự do và đưa cả dân tộc Việt Nam vào cuộc chiến đấu lịch sử, với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.
Mùa xuân năm 1968, sau những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường, với tư tưởng chủ động tiến công địch, Đảng ta chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" và làm lung lay dã tâm xâm lược của đối phương, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào đàm phán tại Hội nghị Paris. Cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đến thời điểm đó, mặc dù còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng khả năng thắng lợi "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" đã thể hiện rõ.
Năm 1969, sự ra đi của Hồ Chủ tịch là một mất mát to lớn đối với nhân dân ta và cách mạng Việt Nam. Trước lúc đi xa, Người để lại bản Di chúc, mặc dù được viết giữa lúc chiến tranh ác liệt nhất, Di chúc vẫn ngời lên niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà". Với niềm tin vào tính chính nghĩa, vào sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để hướng tới mục tiêu chung: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh, trong Di chúc, Người nhấn mạnh đến 3 lần chữ "nhất định", khẳng định như là quy luật khách quan, vì đó là chiến thắng của văn minh đối với bạo tàn, chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước. Đó là niềm tin, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc Việt Nam để đi đến thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của khí phách, bản lĩnh, trí tuệ của chính con người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam. Đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thần kỳ với sự hy sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ miền Nam trên tiền tuyến lớn và sự chi viện hết lòng của hậu phương lớn miền Bắc với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", với ý chí quyết tâm "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai"; là thắng lợi của khát vọng độc lập dân tộc, tự do và thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam.
Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khẳng định trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: "Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử. Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Đây là nguyên tắc cách mạng, là chân lý của thời đại, là triết lý nhân sinh của dân tộc ta, là nghĩa vụ - trách nhiệm của mỗi người dân nước Việt trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Bình luận (0)