Không có giáo viên chuyên trách, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tổ chức ra sao?

12/09/2022 07:30 GMT+7

Lần đầu tiên trong chương trình giáo dục bậc THPT xuất hiện một hoạt động giáo dục với yêu cầu bắt buộc nhưng hiện nhiều trường không có giáo viên chuyên trách.

Chủ động phân công giáo viên

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở bậc THPT từ lớp 10 năm nay lần đầu tiên đưa hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là một trong 8 bộ môn, hoạt động bắt buộc. Theo quy định, hoạt động này có tổng số 105 tiết, thực hiện cho 35 tuần thực học, tính ra trung bình học sinh (HS) sẽ học 3 tiết/tuần.

Ngay từ năm đầu tiên thực hiện chương trình, trong điều kiện không có giáo viên (GV) chuyên trách, không có tổ bộ môn nên mỗi trường tự tổ chức lực lượng giảng dạy trong điều kiện thực tế.

Học sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023 sẽ học Chương trình giáo dục phổ thông 2018

NGỌC DƯƠNG

Chẳng hạn, tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức, TP.HCM), bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường xây dựng nhóm thực hiện hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp khoảng 15 thành viên huy động từ ban giám hiệu, GV chủ nhiệm, trợ lý thanh niên, GV các tổ bộ môn. Từ nội dung các chuyên đề của hoạt động bắt buộc này, nhóm thực hiện sẽ chủ động xây dựng nội dung tổ chức. Bà Trúc cho hay mỗi chuyên đề sẽ có sự tham gia của GV, chuyên gia hướng dẫn có chuyên môn phù hợp để kiểm soát nội dung và đảm bảo chất lượng chương trình.

Chẳng hạn, nhóm thực hiện chuyên đề “Thể hiện phẩm chất tốt đẹp của HS” sẽ do ban giám hiệu, trợ lý thanh niên, cán bộ Đoàn trường, GV chủ nhiệm phụ trách. Còn chuyên đề “Văn hóa nhà trường” sẽ do thành viên ban giám hiệu, GV chủ nhiệm, trợ lý thanh niên, GV ngữ văn thực hiện…

Trong khi đó, năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10 và chương trình giáo dục hiện hành đối với HS lớp 11 và 12 nên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) đã tính toán làm sao vừa đáp ứng được nguyện vọng của HS lớp 10 theo định hướng nghề nghiệp, vừa đảm bảo được cân đối nguồn lực đội ngũ của trường, tránh tình trạng môn thừa, môn thiếu GV.

Vì vậy, khi thành lập tổ trải nghiệm hướng nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho hay trường sắp xếp những GV giáo dục công dân, công nghệ là những bộ môn có số tiết ít trong chương trình mới (do HS ít lựa chọn) đảm nhiệm giảng dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong chương trình. Tổ hoạt động này có sự tham gia của GV chủ nhiệm, GV bộ môn cùng các lực lượng hoạt động phong trào khác trong nhà trường để cùng nhau soạn giáo án, phối hợp, hỗ trợ khi giảng dạy. Cũng theo bà Hồng Chương, ban giám hiệu tham gia để nắm bắt việc thực hiện và kịp thời điều chỉnh khi cần thiết.

Tương tự, ở khối trường ngoài công lập, bà Trần Thị Tâm Tuyền, Giám đốc chương trình Việt Nam, Trường quốc tế Á Châu, cho biết ngoài đội ngũ GV chủ nhiệm chuyên trách đã được nhà trường xây dựng thì GV các bộ môn có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân công đảm nhận nội dung hoạt động. Bên cạnh đó, hoạt động này còn có sự hỗ trợ từ phòng tham vấn tâm lý, hướng nghiệp.

Về việc sắp xếp GV giảng dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết tùy vào nhân sự mà mỗi trường bố trí GV giảng dạy phù hợp. Tuy nhiên, việc sắp xếp cần đảm bảo hài hòa quyền lợi của người học, người dạy, đồng thời chú trọng công tác bồi dưỡng thường xuyên để thầy cô “chắc tay” khi đứng lớp.

Để học sinh trải nghiệm thực tế

Để hoạt động môn học đi đúng mục tiêu trải nghiệm và hướng nghiệp, theo hiệu trưởng các trường, bên cạnh nội dung giảng dạy bám sát thực tế thì cần có hoạt động thực tế để HS trải nghiệm.

Học sinh tham gia tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên, một hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp

đào ngọc thạch

Theo tiến sĩ Mai Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường Song ngữ quốc tế Hoàng Gia, thông qua hoạt động bắt buộc này, GV sẽ thiết kế những tiết học trải nghiệm, hướng nghiệp để tạo cho HS cơ hội được tiếp xúc với thực tiễn, áp dụng tổng hợp những kiến thức, kỹ năng của các môn đã học vào thực tiễn đời sống. Từ đó phát huy tính sáng tạo và tăng khả năng thích ứng với môi trường và định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em.

GV của trường tổ chức hoạt động này có sự kết hợp với các dự án như trồng cây thủy canh, lồng đèn toán học, lễ hội doanh nhân, xây dựng thùng rác thông minh... Tiến sĩ Thắng cho hay trong tổ chức hoạt động, nhà trường đã lên kế hoạch cho HS trải nghiệm các cơ hội nghề nghiệp tại các trường đại học cùng một số doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất…

Tương tự, HS Trường quốc tế Á Châu cũng có chương trình trải nghiệm ngành nghề thực tế tại trường đại học với hơn 20 chuyên ngành đào tạo, giảng dạy khác nhau để có cái nhìn đa dạng ngành nghề.

Bà Nguyễn Thị Hồng Chương cũng nhìn nhận, trải nghiệm thực tế chính là cách giúp hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Từ thực tế lựa chọn tổ hợp môn cũng như định hướng về ngành nghề cùng với nhu cầu tìm hiểu ngành nghề của HS nên trường sẽ tổ chức cho HS đến tìm hiểu về mô hình, nội dung đào tạo của các trường khối ngành y, dược, kinh tế…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.