Không có nghị quyết thí điểm về đất đai

12/06/2019 06:20 GMT+7

Chiều 11.6, với 91,53% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 (gọi tắt là chương trình).

Theo đó, việc sửa luật Đất đai sẽ được lùi từ năm 2019 sang năm 2020.

Sẽ sửa luật Đất đai vào năm 2020

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội (QH) Nguyễn Khắc Định cho biết có ý kiến đại biểu (ĐB) đề nghị không lùi thời gian trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai. Tuy nhiên, theo UBTVQH, từ nay đến kỳ họp thứ 8 chỉ còn khoảng 4 tháng, trong khi khối lượng công việc phải thực hiện theo quy định rất nhiều, từ tổng kết, đánh giá tác động, soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra...
Ngoài ra, qua rà soát, kiểm tra tiến độ chuẩn bị dự án luật này, UBTVQH nhận thấy cần phải có thêm thời gian để nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ hơn một số chính sách mới phát sinh trong quá trình soạn thảo, nhằm bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án luật. Do đó, UBTVQH đề nghị QH cho phép giữ tiến độ dự án luật này theo hướng QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (5.2020) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (10.2020).
Trước đó, Chính phủ đề nghị rút dự án luật này ra khỏi chương trình năm 2019 và sẽ trình QH vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, UBTVQH không đồng tình và đề nghị không rút dự án luật này ra khỏi chương trình như Chính phủ đề nghị, mà lùi thời gian trình QH sang cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2020).
Liên quan nội dung này, báo cáo của UBTVQH cũng cho biết có ĐB đề nghị bổ sung vào chương trình Nghị quyết thực hiện thí điểm một số nội dung về đất đai để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, UBTVQH đánh giá nội dung này khá phức tạp, liên quan chặt chẽ việc sửa đổi luật Đất đai. Theo dự kiến chương trình, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Do đó, UBTVQH cho rằng không cần thiết phải thực hiện thí điểm một số nội dung về đất đai, và Chính phủ cần tập trung chỉ đạo tổng kết thi hành luật Đất đai hiện hành, đánh giá tác động các chính sách cần sửa đổi để xây dựng dự án luật trình QH.

Địa phương bị động về thu ngân sách

Cũng trong chiều 11.6, với 443 ĐB tán thành (92,56% tổng số ĐB), QH thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 của UBTVQH, do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -Ngân sách QH Nguyễn Đức Hải trình bày chiều qua, chỉ ra một số ý kiến cho rằng việc giao dự toán thu cho nhiều địa phương cao hơn khả năng thực hiện; nhiều khoản thu không đạt dự toán, thu ngân sách nhà nước chưa phản ánh được thực tế tăng trưởng của nền kinh tế.
Giải trình vấn đề này, ông Hải cho biết UBTVQH thừa nhận công tác lập và giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2017 còn hạn chế nhất định, như ý kiến ĐB đã nêu, đồng thời khẳng định việc giao dự toán thu không sát gây không ít khó khăn, bị động cho các địa phương trong quá trình điều hành thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
“Rút kinh nghiệm các năm trước, Chính phủ đã trình QH quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 ở mức phù hợp hơn, thu nội địa tăng 6,7% so với năm 2018, bảo đảm tính sát thực, tạo chủ động trong điều hành ngân sách nhà nước”, ông Hải cho hay.
Không ban hành nghị quyết về việc thi hành luật Quy hoạch
Cũng theo báo cáo của UBTVQH về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, UBTVQH không đồng ý trình QH xem xét, thông qua Nghị quyết về việc thi hành luật Quy hoạch và các luật có liên quan đến quy hoạch tại kỳ họp này; đồng thời đề nghị Chính phủ quyết liệt triển khai các giải pháp phù hợp, bảo đảm việc thực hiện luật. Nếu không xử lý được mới trình QH ban hành nghị quyết.
Trước đó, ngay giữa kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Chính phủ đã đề nghị QH xem xét thông qua nghị quyết này do việc thực hiện luật Quy hoạch gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, hiện có một số quy hoạch đã được lập, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt, nay sẽ phải làm theo trình tự của luật Quy hoạch, dẫn đến mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, quy định của luật hiện hành không cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, dẫn đến không bảo đảm sự linh hoạt trong quá trình điều hành của các địa phương. Thứ ba, kể từ thời điểm luật Quy hoạch có hiệu lực, quy định có liên quan đến các quy hoạch tại các luật chuyên ngành cũng đồng thời hết hiệu lực, khiến không còn căn cứ pháp lý để thực hiện các quy hoạch chuyên ngành này. Do đó, Chính phủ đề nghị QH ban hành nghị quyết để hướng dẫn chuyển tiếp, không hồi tố quy định với các quy hoạch đã thẩm định trước và cho kéo dài thời hạn áp dụng quy hoạch được quy định tại các luật chuyên ngành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.