Đây là ý kiến của TS Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và lãnh đạo nữ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tại Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức sáng 22.9.
Tỷ lệ lãnh đạo nữ cấp bộ xếp hạng chót 190/190 quốc gia
Theo bà Trần Bích Loan, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH), về kết quả thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị giai đoạn 2011-2020, Việt Nam có nhiều thành tựu nổi bật được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Đáng chú ý, lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội nữ, có 3 nữ là ủy viên Bộ Chính trị, tăng 11% so với khóa 13 (chiếm tỷ lệ 15,78%). Tỷ lệ nữ đại biểu QH khóa 14 đạt 27,31% (tăng 3,11%) thuộc nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu QH; 9/63 nữ bí thư tỉnh, thành ủy.
Tuy nhiên, theo bà Hoan: “Tỷ lệ nữ lãnh đạo còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn. Công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất. Tại nhiều cơ quan đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ; chưa có những quy định cụ thể trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác cán bộ nữ trong nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước”.
Đồng tình với nhận định trên, TS Lương Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới và lãnh đạo nữ ( Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết trong bản đồ phụ nữ trong chính trị năm 2020 của Liên minh Nghị viện (IPU) và UNWomen, có 2 cột xếp hạng quốc gia trên toàn thế giới về tỷ lệ nữ tham chính là cột xếp hạng tỷ lệ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp bộ, và cột xếp hạng tỷ lệ nữ trong Quốc hội/nghị viện.
Về tỷ lệ lãnh đạo cấp bộ, IPU xếp hạng Việt Nam ở vị trí 190 trong tổng số 190 quốc gia (cuối danh sánh xếp hạng), chỉ trên 3 nước không được xếp hạng do không có thông tin là Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Haiti và Lybia. Trong khi cột tỷ lệ nữ trong Quốc hội/nghị viện thì Việt Nam được xếp hạng 68/191 quốc gia.
“IPU chỉ tính số lượng các nữ bộ trưởng, các phó thủ tướng và thủ tướng. Như vậy, ở cấp quốc gia không có nữ giới nắm giữ các vị trí bộ trưởng là điểm trừ của Việt Nam trong đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong chính trị ở phạm vi toàn cầu. Vì vậy, bên cạnh bổ sung chỉ tiêu Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội có thành viên là nữ, cần đưa vào dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới chỉ tiêu về cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là ở cấp bộ trưởng”, bà Hiền bày tỏ.
Mục tiêu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 15 đạt 30%
Bà Trần Bích Loan cho biết, Bộ LĐ-TB-XH đã hoàn thiện dự thảo Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 để trình Chính phủ.
Tại dự thảo này, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã đặt mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, vừa để chuẩn bị cho bầu cử vào năm 2021. Trong đó, đưa ra 3 chỉ tiêu cụ thể:
Chỉ tiêu 1: duy trì tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 đạt ít nhất 15% trở lên đối với cấp tỉnh/huyện và 20% trở lên đối với cấp cơ sở; nhiệm kỳ 2025-2030 đạt 20% trở lên đối với cấp tỉnh/huyện và 25% trở lên đối với cấp cơ sở. Có nữ tham gia trong các ban thường vụ.
Chỉ tiêu 2: tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa 15 đạt 30% và khóa 16 đạt 35%. Thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội có thành viên là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đạt 30% nhiệm kỳ 2021- 2026 và 35% nhiệm kỳ 2026-2031.
Chỉ tiêu 3: đến 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các ban Đảng ở T.Ư, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở T.Ư, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, TS Lương Thu Hiền đề nghị, cần phải rà soát lại các quy định của Đảng, Nhà nước về độ tuổi, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm. Xác định những bất hợp lý và bất lợi đối với phụ nữ khi thực hiện những quy định này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật về bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai đề án “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn đến 2030”.
Để đảm bảo tỷ lệ, TS Lê Thị Thu Hằng, Phó vụ trưởng Vụ V (Ban Tổ chức T.Ư), kiến nghị trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, các địa phương, cơ quan, đơn vị nào có trên 30% lao động là nữ thì nhất thiết ban lãnh đạo phải có nữ. Cơ quan, đơn vị nào có cán bộ nữ nghỉ hưu hoặc luân chuyển thì phải được thay thế bằng cán bộ nữ".
Bình luận (0)