Không có nút giao thông tại đường nối 2 cao tốc, gần 1.000 người dân kêu cứu

26/03/2024 14:46 GMT+7

Do không có nút giao thông trên dự án đường nối giữa cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình, 982 người dân ở Hưng Yên gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, làm việc và đồng loạt có đơn kêu cứu.

Thời gian vừa qua, Báo Thanh Niên nhận được phản ánh của một số hộ dân đại diện cho 982 người dân đang sinh sống tại thôn Xuân Điểm (xã Hưng Đạo, H.Tiên Lữ, Hưng Yên) về bất cập tại dự án đường nối giữa cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình.

Xưa di chuyển 500 m, nay phải di chuyển... 7 km

Ông Trần Văn Thạc, nguyên trưởng thôn Xuân Điểm, cho biết: "Thôn tôi hiện có 80% diện tích đất canh tác nông nghiệp với 110 mẫu ruộng nằm ở phía bên kia đường nối giữa 2 cao tốc. Ngoài ra, tất cả các hệ thống công trình gồm: chùa Quang Khánh, nghĩa trang và bãi rác của thôn đều ở vị trí này. Từ tháng 1.2024, khi dự án bước vào giai đoạn hoàn thiện, chủ đầu tư đã cho đặt dải phân cách cứng giữa 2 làn đường tại vị trí khu dân cư và điểm băng cắt sang khu đất nông nghiệp và hệ thống công trình kể trên khiến giao thông, đi lại trở nên bất tiện".

Theo đó, tất cả người dân trong thôn Xuân Điểm muốn di chuyển sang bên kia đường thì sẽ phải di chuyển lên phía trên khoảng 3,5 km tại nút giao cắt đường nối cao tốc với QL 38B (địa phận xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên, Hưng Yên). Tiếp đó, họ sẽ phải di chuyển thêm 3,5 km theo chiều ngược lại thì mới đến được vị trí cần đến.

Không có nút giao thông tại đường nối 2 cao tốc, gần 1.000 người dân kêu cứu- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Hùng: "Việc di chuyển 7 km một lượt là quá xa so với điều kiện của người dân thôn Xuân Điểm"

MINH PHONG

"Như vậy, 1 lượt để đến được khu đất canh tác bên kia đường chúng tôi phải di chuyển 7 km. Nếu ai 1 ngày 2 lượt ra ngoài ruộng thì sẽ phải di chuyển tổng cộng 28 km, rất là bất cập.

Tình trạng này kéo dài, chắc chắn chúng tôi sẽ phải bỏ ruộng vì chi phí đi lại quá lớn. Bình thường khi chưa có dự án đường nối 2 cao tốc chạy qua, người dân chỉ cần đi bộ, hoặc đi xe đạp băng qua đường với khoảng cách 500 m", ông Nguyễn Xuân Hùng, người dân thôn Xuân Điểm nêu ý kiến.

Không có nút giao thông tại đường nối 2 cao tốc, gần 1.000 người dân kêu cứu- Ảnh 2.

Chùa, nghĩa trang, đất canh tác, bãi rác... của người dân thôn Xuân Điểm chỉ cách dải phân cách cứng hơn 100 m thì nay người dân phải di chuyển với quãng đường 7 km

MINH PHONG

Vẫn theo người dân thôn Xuân Điểm, không chỉ gây khó khăn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, tâm linh, vệ sinh môi trường đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chùa, nghĩa trang, bãi rác đều nằm phía bên kia đường, đã bị rào lại bởi dải phân cách cứng.

Người khỏe mạnh có thể đi xe máy có thể chấp nhận đi đường vòng với quãng đường 7 km, nhưng những người già không biết đi xe máy, đi xe đạp thì quãng đường quá xa nên đến chùa dần thưa thớt hơn. Trước đây, đám ma trong thôn, khi có người chết, dân làng đi đưa tiễn rất đông vì chỉ cách khu dân cư 500 m. Nay, với quãng đường 7 km, gia đình có tang sự phải thuê ô tô để chở linh cữu và chỉ có anh em ruột thịt đi đưa tiễn.

Ngoài ra, có khoảng 130 người dân trong thôn đi làm tại các khu công nghiệp đều di chuyển với quãng đường xa hơn trước 7 km.

Sở GT-VT: 'Mong người dân chia sẻ, đồng thuận'

Để làm rõ những kiến nghị của người dân thôn Xuân Điểm, PV Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo.

Theo ông Quý, nhân dân thôn Xuân Điểm đã nhiều lần có đơn kiến nghị được giải quyết nút giao thông nằm giữa đường nối 2 cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình. Là lãnh đạo địa phương, thấy kiến nghị của người dân là chính đáng nên ông Quý đã có công văn đề nghị phương án tổ chức giao thông tại vị trí giao giữa đường thôn Xuân Điểm và tuyến đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình tới UBND tỉnh Hưng Yên, UBND H.Tiên Lữ và Sở GT-VT tỉnh Hưng Yên.

Không có nút giao thông tại đường nối 2 cao tốc, gần 1.000 người dân kêu cứu- Ảnh 3.

Người dân thôn Xuân Điểm bức xúc vì dự án đường nối 2 cao tốc không bố trí nút giao thông cho người dân trong thôn

MINH PHONG

"Kiến nghị được chúng tôi gửi đi 2 lần và đều được Sở GT-VT tỉnh Hưng Yên phúc đáp là điểm đấu nối đường thôn Xuân Điểm với đường nối giữa 2 cao tốc là không có trong quy hoạch", ông Quý cho biết.

Gần đây nhất, ngày 10.1, Sở GT-VT tỉnh Hưng Yên cũng đã có công văn trả lời ông Trần Văn Bốn, là đại diện cho người dân trong thôn Xuân Điểm có đơn kiến nghị.

Theo nội dung công văn này, tuyến đường nối 2 cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với Cầu Giẽ-Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là đường cao tốc Hưng Yên-Thái Bình vào ngày 1.9.2021, điểm đầu là vành đai 4 Hà Nội, Hưng Yên; điểm cuối là đường cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, Thái Bình, chiều dài khoảng 70 km; quy mô 4 làn xe; tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Hệ thống đường cao tốc do Bộ GT-VT quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch. Các nút giao trên tuyến đường cao tốc là các nút giao khác mức liên thông, nút giao trực thông hoặc dạng giao nhập vào đường cao tốc qua các trạm thu phí.

Ngày 30.10.2020, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định phê duyệt hồ sơ chỉ giới và cắm cọc chi tiết trên thực địa các nút giao chính trên tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, có 12 nút giao chính. Đoạn qua địa phận H.Tiên Lữ có 2 nút giao, không có nút giao với đường thôn Xuân Điểm.

Không có nút giao thông tại đường nối 2 cao tốc, gần 1.000 người dân kêu cứu- Ảnh 4.

Do không có nút giao trong quy hoạch nên nhiều người dân thôn Xuân Điểm đã trèo qua dải phân cách cứng để sang đường

MINH PHONG

Về mặt tổ chức giao thông, theo công văn này, người dân thôn Xuân Điểm sẽ di chuyển theo đường gom 2 chiều tại dự án đường nối 2 cao tốc. Sau khi dự án được hoàn thành, nút giao gần nhất là ĐH 72 với đường nối 2 cao tốc cách thôn Xuân Điểm 1.386 mét.

Vẫn theo Sở GT-VT tỉnh Hưng Yên, tuyến đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cầu Giẽ-Ninh Bình là trục giao rất quan trọng của tỉnh Hưng yên và khu vực; được khai thác với lưu lượng giao thông rất lớn, vận tốc thiết kế 80 km/giờ; được quy hoạch là tuyến đường cao tốc nên các vị trí giao cắt phải được thiết kế, xây dựng theo quy hoạch và đảm bảo an toàn giao thông.

Sở GT-VT tỉnh Hưng Yên mong ông Trần Văn Bốn và nhân dân thôn Xuân Điểm chia sẻ, đồng thuận, ủng hộ dự án để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Hưng Yên, cho hay: "Những gì cần trả lời, sở đã có các văn bản trả lời rồi".

Không có nút giao thông tại đường nối 2 cao tốc, gần 1.000 người dân kêu cứu- Ảnh 5.

Việc trèo qua dải phân cách cứng để sang đường vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khi các phương tiện di chuyển tốc độ cao

MINH PHONG

PV Báo Thanh Niên đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin tới số điện thoại của bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch UBND H.Tiên Lữ, liên quan đến kiến nghị của người dân thôn Xuân Điểm nhưng không nhận được hồi đáp.

"Khi nhà nước thu hồi đến 7 ha đất nông nghiệp của nhân dân trong thôn để làm đường nối 2 cao tốc, chúng tôi không có ý kiến gì và đều nhất trí ủng hộ việc phát triển hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế cho địa phương và đất nước. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, làm đường phải tính đến phương án để đường đi lối lại cho nhân dân đi lại thuận tiện, chứ thế này thì khổ quá.

Việc đi lại xa và bất tiện đang trực tiếp đánh vào cái dạ dày và kế sinh nhai của chúng tôi. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết kiến nghị có nút giao thông phù hợp cho người dân trong thôn", ông Nguyễn Xuân Hùng bày tỏ nguyện vọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.