Không có tam quyền phân lập, nên mới có QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất

13/06/2020 15:48 GMT+7

Có khuyết điểm mà không dám nói vì sợ thế lực thù địch lợi dụng là "tưởng lầm", "là ốm mà sợ thuốc" ... "Một khi đã phạm khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít người ta cũng biết".

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 13.6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), cũng tranh luận với đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) liên quan đến việc đại biểu Quốc hội lên tiếng về những vụ án gây nghi ngờ trong dư luận. 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tranh luận với ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) tại quốc hội vào chiều 13.6.2020

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ông không có ý định tranh luận, nhưng sau khi nghe ý kiến của đại biểu Phạm Hồng Phong về việc một số đại biểu "chỉ qua một vài trang giấy, cũng như một vài bình luận của báo để đưa ra một quyết định" là thiếu cơ sở; và "rất nhiều thế lực phản động đang chống phá Đảng, Nhà nước, đòi tam quyền phân lập, nên chúng ta cũng hết sức cảnh giác", đại biểu Nghĩa đã quyết định trao đổi lại. 
Đại biểu Nghĩa đồng ý với đại biểu Phạm Hồng Phong về việc "bản chất của chế độ ta không có tam quyền phân lập", nhưng chính vì vậy nên chúng ta mới có Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Cơ quan Quốc hội lập ra hành pháp, tư pháp và giám sát hành pháp và tư pháp.
Do đó, các đại biểu Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội phải có trách nhiệm trước cử tri, thực thi quyền giám sát này đối với cơ quan thi hành pháp luật. Cho nên, theo đại biểu Nghĩa, những gì đại biểu Quốc hội phát biểu về hành pháp và tư pháp, trong đó có các vụ án cụ thể, vừa là phản ánh những băn khoăn của cử tri, đồng thời cũng là trách nhiệm của đại biểu.

ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) tranh luận với đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) tại quốc hội sáng 13.6.2020

Cũng theo đại biểu Nghĩa, để thực thi quyền giám sát của mình, Quốc hội thành lập cơ quan kiểm toán để thực thi giám sát về mặt tài chính - ngân sách và lập ra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, theo nguyên lý từ thời Lê-nin, để giám sát việc chấp hành pháp luật.
Do đó, việc các đại biểu Quốc hội phát biểu vừa thể hiện trách nhiệm của đại biểu, vừa đi đúng bản chất quyền lực của chúng ta, là các cơ quan quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực.
"Quốc hội giám sát hành pháp, tư pháp chính là thực hiện theo đúng quyền hiến định của mình và theo đúng chức năng của mình; cũng theo đúng đường lối của Đảng. Đó cũng là yêu cầu của đất nước, của nhân dân. Do đó, tuy rằng chúng ta có quy định quyền tư pháp là quyền cao nhất, nhưng luật cũng quy định rằng, Viện kiểm sát có quyền kiểm sát tư pháp, kể cả ở giai đoạn cao nhất là sau khi có quyết định giám đốc thẩm", đại biểu  Nghĩa nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nghĩa, luật hiện nay quy định, sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì Ủy ban Tư pháp vẫn có quyền có ý kiến, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền có ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền có ý kiến và Quốc hội có quyền giám sát tối cao.
Dù đã hết 3 phút tranh luận, đại biểu Nghĩa vẫn "xin mấy chục giây" để nói về việc "thế lực thù địch có thể lợi dụng". Theo đó, đại biểu Nghĩa trích câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Có những cán bộ tưởng rằng nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại, vì kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền, giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền. Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Nếu không muốn kẻ địch phản tuyên truyền, thì không gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm".
"Một khi đã phạm khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít người ta cũng biết. Chúng ta học Hồ chủ tịch chính là khi có khuyết điểm thì nêu ra, khi cho rằng có thể có khuyết điểm cũng nêu ra, để bàn bạc với nhau. Cuối cùng, tôi muốn kết thúc ý kiến tranh luận của tôi bằng cái câu nói của Tổng bí thư: "Không phải cứ đỏ mà là chín" đâu", đại biểu Nghĩa nói.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) tranh luận lại với ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) tại quốc hội vào chiều 13.6.2020

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.