Không có 'thời điểm hạn chế'

09/11/2020 04:49 GMT+7

Bộ Chính trị vừa quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Bình , Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư. Việc kỷ luật ông Nguyễn Văn Bình ngày hôm qua (8.11) không còn là bất ngờ.

Những khuyết điểm của ông Bình trong thời gian ông điều hành Ngân hàng Nhà nước VN đã được dư luận quan tâm từ lâu.
Vài ngày trước, Ủy ban Kiểm tra T.Ư tại kỳ họp 49 cũng đã kết luận vi phạm của ông Bình là “nghiêm trọng”, và đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật ông Bình theo thẩm quyền. Việc kỷ luật đối với ông Bình là điều có thể dự đoán trước và cũng không còn là sự bất ngờ đặc biệt. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, việc xử lý cán bộ vi phạm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” luôn được những người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước thúc đẩy và duy trì một cách công tâm, quyết liệt.
Trước ông Bình, đã có 2 ủy viên Bộ Chính trị khác bị kỷ luật là ông Đinh La Thăng và ông Hoàng Trung Hải. Ông Đinh La Thăng sau đó còn trở thành bị cáo của các vụ án khác nhau với mức hình phạt rất cao...
Dẫn lại những điều đáng buồn này chỉ để thấy rằng, kỷ luật ông Bình là việc bình thường trong nhiệm vụ xây dựng Đảng, theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Không thể phủ nhận, việc kỷ luật ông Bình diễn ra vào thời điểm khá “nhạy cảm” khi trước Đại hội toàn quốc nhiệm kỳ XIII của Đảng không lâu. Quyết định kỷ luật vào thời điểm này cho thấy, việc xử lý cán bộ sai phạm đã không né tránh thời điểm nhạy cảm. Đặc biệt, trong thông cáo kỷ luật, Văn phòng T.Ư Đảng đã chỉ ra thứ tự từng vi phạm, khuyết điểm của cán bộ một cách rõ ràng, rành mạch.
Trong bài viết: “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm về chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Công tác nhân sự đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải "có con mắt tinh đời" trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu”.
Qua đó, có thể thấy nhiệm vụ rà soát cán bộ có đức, có tài, có tín nhiệm trong Đảng, trong dân và việc xử lý cán bộ sai phạm là đúng theo nguyên tắc Đảng mà còn là việc làm thường xuyên nhằm tăng cường sự vững mạnh, trong sạch của Đảng. Xử lý cán bộ sai phạm không những “không có vùng cấm”, mà còn “không có thời điểm hạn chế” nào....
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.