Ngày 31.3, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3 với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại cuộc họp báo ngay sau đó, thông tin về việc điều tra 200 triệu lít xăng giả với những thủ đoạn rất tinh vi, tình trạng sốt đất... là những thông tin nóng được báo chí quan tâm.
Đường dây 200 triệu lít xăng giả có cán bộ bảo kê, hối lộ rất tinh vi
Trả lời báo chí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 về việc Công an Đồng Nai điều tra và bắt giữ 200 triệu lít xăng giả thời gian gần đây, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết đây là vụ đại án dư luận rất quan tâm. Tại cuộc họp ngày 18.3, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã đưa vụ việc này vào diện theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, đã khởi tố hơn 50 bị can, thu giữ 14 tàu thủy, 13 xe bồn, số tiền phong tỏa trên 200 tỉ đồng.
“Vụ án này cho thấy hoạt động buôn lậu diễn ra rất lâu, quy mô rộng, thủ đoạn tinh vi, có sự tham gia và tình trạng bảo kê của cán bộ nên rất khó khăn trong phá án. Khi Công an Đồng Nai phát hiện vi phạm đã báo cáo Bộ, đồng chí Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo đánh án. Bộ cử một đồng chí Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (10 năm đánh án ở Tây Bắc) đưa lực lượng đặc nhiệm vào miền Tây, nếu không sẽ bị tiêu hủy chứng cứ, chống lại cơ quan điều tra”, thiếu tướng Tô Ân Xô nói.
Thường xuyên cảnh báo rủi ro tín dụng bất động sản
Tại họp báo, trả lời câu hỏi của Thanh Niên về tình hình sốt đất gần đây và việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát việc “bơm” tiền vào bất động sản (BĐS) như thế nào, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết vốn tín dụng đầu tư vào BĐS gần đây tương đối nóng ở nhiều địa phương, giá cả BĐS có chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, theo ông Tú, câu chuyện này có nhiều nguyên nhân, trong đó tình trạng một số đối tượng tung tin, “thổi giá” không chính xác, kiếm chênh lệch từ đầu cơ.
Về phía ngành ngân hàng, ông Tú khẳng định riêng lĩnh vực tín dụng trong lĩnh vực BĐS được quản lý sát sao, chặt chẽ. Câu chuyện dịch chuyển dòng vốn sang các kênh này đều được quan tâm, NHNN thường xuyên có cảnh báo cho các tổ chức tín dụng khi có rủi ro. Đến ngày 15.3, số liệu dư nợ cho vay BĐS của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn mức 2,04% so với mức tăng trưởng chung tín dụng. “Mức tăng tín dụng 2,13% chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay, nhưng NHNN cũng đã kịp thời giám sát, có cảnh báo với các tổ chức tín dụng”, ông Tú nói.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ khóa XIV đã thực hiện tốt tinh thần làm việc đến ngày cuối cùng, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc bàn giao, kiện toàn bộ máy. Với tinh thần bàn giao tốt nhất, đầy đủ nhất, hiệu quả nhất giữa 2 nhiệm kỳ, để Chính phủ khóa mới có được điều kiện tốt nhất triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm tính liên tục.
Ông Dũng cũng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. Ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7%; Tổ chức tài chính Fitch Solutions dự báo tăng trung bình 6,5% trong giai đoạn 2021 - 2030. IMF dự báo tăng trưởng 6,5% với tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ ở mức 4%. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức “Ba3” và nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực...
Thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1/2021 của Chính phủ cho hay tăng trưởng GDP quý 1 ước 4,48%. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp: CPI tháng 3 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12.2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân quý 1/2021 tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ; doanh nghiệp thành lập mới tăng 27,5% vốn đăng ký; hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 tăng 5,1% so với cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 4,42% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,01%)…
|
Bình luận (0)