Không còn sổ hộ khẩu, các trường sẽ tuyển sinh như thế nào?

06/04/2021 08:32 GMT+7

Khi luật Cư trú có hiệu lực, việc không còn sổ hộ khẩu có ảnh hưởng đến tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 ?

Nộp hồ sơ nhập học ra sao ?

Bắt đầu từ ngày 1.7, luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực, trong đó nổi bật nhất là quy định về việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ truyền thống bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng số hóa. Vào thời điểm này, các trường bước vào giai đoạn tuyển sinh đầu cấp. Thông thường, những năm trước, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú là một trong những thủ tục cần hoàn chỉnh khi học sinh (HS) nộp hồ sơ nhập học. Thế nên khi quy định mới về sổ hộ khẩu có hiệu lực, khá nhiều phụ huynh băn khoăn sẽ ảnh hưởng đến việc học của con em như thế nào.
Là phụ huynh có con chuẩn bị bước vào bậc THCS, chị Lê Thanh Xuân, cư trú tại đường Trương Định, P.Bến Thành, Q.1 (TP.HCM), băn khoăn: “Có con sắp vào lớp 6 nên khi tham khảo quy định tuyển sinh đầu cấp những năm trước, tôi thấy trong thành phần hồ sơ yêu cầu nộp bản sao sổ hộ khẩu hợp lệ. Không biết năm nay còn yêu cầu này nữa hay không?”.
Tương tự, khi tìm những thông tin về tuyển sinh vào lớp 1, anh Phan Hoài Thanh, cư trú tại chung cư Topaz City (Q.8, TP.HCM), cho biết: “Những năm trước, khi nộp hồ sơ cho con trai lớn vào lớp 1, Ban tuyển sinh của quận hướng dẫn khi nộp hồ sơ cần có giấy gọi vào học lớp 1, bản sao giấy khai sinh, bản sao hộ khẩu hoặc tạm trú dài hạn và hộ khẩu để đối chiếu. Khi tiếp nhận hồ sơ nhập học, nếu trường tiểu học phát hiện khác với thông tin đã đăng ký trong đơn đăng ký xét tuyển thì sẽ bị loại khỏi danh sách…”. Vì vậy, năm nay anh Thanh thắc mắc: “Vậy khi không còn sổ hộ khẩu thì các trường sẽ đối chiếu giấy tờ hợp lệ như thế nào?”.

Dựa vào danh sách học sinh do UBND phường gửi

Theo lãnh đạo phòng giáo dục các quận, huyện, việc tuyển sinh các lớp đầu cấp thực hiện theo nguyên tắc phân tuyến căn cứ vào nơi cư trú. Tức HS có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú ở phường nào thì sẽ được phân tuyến vào học các lớp đầu cấp tại trường đóng trên địa bàn đó hoặc địa bàn lân cận. Hằng năm UBND các phường sẽ thống kê danh sách HS trong độ tuổi để ban tuyển sinh quận làm căn cứ phân bổ chỉ tiêu cụ thể, lập danh sách HS vào từng trường.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.6, TP.HCM, cho hay việc tuyển sinh năm nay không có gì thay đổi. Căn cứ vào số chỗ học có thể đáp ứng nhu cầu, các trường tiểu học báo với phường sở tại. Từ đó, UBND phường sẽ lập danh sách HS cho năm học mới. Chẳng hạn, Trường tiểu học Chi Lăng có khả năng thu nhận 280 HS lớp 1 thì UBND P.6 sẽ lập danh sách trẻ đến độ tuổi vào học lớp 1 và chuyển danh sách về trường. Hồ sơ nhập học bao gồm giấy gọi trẻ, giấy khai sinh... Ông Uyên cũng nói thêm hộ khẩu vẫn là căn cứ chứng minh để nhập học bởi theo quy định khi luật Cư trú có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết ngày 31.12.2022.
Tuy nhiên trong trường hợp phụ huynh HS thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú lúc này cơ quan đăng ký cư trú thu hồi thì theo ông Uyên, nhà trường sẽ đối chiếu với những thông tin trong giấy khai sinh. Đồng thời, theo nguyên tắc tuyển sinh, các trường nhận HS theo danh sách thống kê trong điều tra phổ cập từ tổ dân phố, phường cung cấp.

Tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến

Nói về những quy định tuyển sinh cho năm học mới, ông Phan Văn Quang, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Bình, TP.HCM, cho hay Phòng Giáo dục quận đang hoàn tất những công việc cuối cùng để trình UBND quận phê duyệt kế hoạch huy động HS đến trường. Ông Quang khẳng định việc bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, những văn bản có tính hành chính như trên không gây khó khăn hay ảnh hưởng đến phụ huynh HS.
Theo ông Quang, việc tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 của Q.Tân Bình thực hiện theo hình thức trực tuyến. Phòng giáo dục quận đã tập huấn cho hiệu trưởng, cán bộ phụ trách tuyển sinh của trường cùng phó chủ tịch phụ trách ở 15 phường về phần mềm tuyển sinh. Đối với lớp 1, trong tháng 3 vừa qua, từ thực tế các tổ dân phố, tổ trưởng thực hiện điều tra phổ cập, lập danh sách trẻ trong độ tuổi đến trường, phường phối hợp với trường thống kê số lượng HS cụ thể, báo về ban tuyển sinh quận. Trước khi phân tuyến, ban tuyển sinh sẽ rà soát, tránh tình trạng HS “ảo” vừa có hộ khẩu phường này nhưng tạm trú phường khác để đảm bảo danh sách phân tuyến chính xác. Sau đó, các trường tiểu học sẽ công khai danh sách HS đã được phê duyệt và phường gửi giấy mời HS vào học theo mã số. Với mã số này, phụ huynh truy cập vào trang tuyển sinh trực tuyến, khai báo và điền những thông tin cần thiết như lựa chọn các chương trình ngoại ngữ, hình thức học bán trú hay 1 buổi…
Còn đối với tuyển sinh lớp 6, Q.Tân Bình thực hiện việc phân tuyến theo địa bàn trường tiểu học. Chính vì vậy các trường tiểu học căn cứ vào danh sách phân tuyến của ban tuyển sinh chuyển trực tuyến hồ sơ học bạ của HS đến các trường THCS. Phụ huynh sẽ nhận thông báo và thực hiện hồ sơ trực tuyến. Lãnh đạo Q.Tân Bình nhấn mạnh, phụ huynh không cần phải đến trường nộp hồ sơ nhập học theo cách truyền thống với đơn nhập học, bản sao hộ khẩu như trước đây. “Phụ huynh không phải lo lắng về việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ ảnh hưởng đến việc học của con em mình mà ngược lại sẽ giúp quy trình tuyển sinh giảm bớt những thủ tục có tính hành chính”, ông Quang nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.