Không công khai thông tin sai phạm nhà giáo khi chưa có kết luận: Còn nhiều băn khoăn

04/11/2024 05:45 GMT+7

Nhiều người băn khoăn về quy định 'cá nhân, tổ chức không được công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền' trong dự thảo 5 - luật Nhà giáo tới đây sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Dự thảo luật Nhà giáo mới nhất (dự thảo lần thứ 5) tại điểm b, mục 3, Điều 11 có "Những việc không được làm". Một trong những việc mà tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo là "Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo". Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, các phụ huynh, giáo viên cũng như các luật sư đều có nhiều ý kiến băn khoăn về điều này.

Không công khai thông tin sai phạm nhà giáo khi chưa có kết luận: Còn nhiều băn khoăn- Ảnh 1.

Các vụ giáo viên đánh vào đầu, nhéo tai; đánh học sinh gãy xương ngón tay; dùng dây điện đánh học sinh hay "xin hỗ trợ cái laptop"… được dư luận, báo chí phản ánh thời gian qua

ẢNH: TNO

QUY ĐỊNH ĐỂ BẢO VỆ NHÀ GIÁO ?

Đang công tác giảng dạy tại một trường THPT công lập tại TP.HCM, thầy Hùng Nam (tên nhân vật đã được thay đổi) nói với PV Báo Thanh Niên: "Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều tiêu cực của nhà giáo trong quá trình thực thi công vụ phần lớn được biết do công luận xã hội lên tiếng, và dường như phụ huynh học sinh ngoài việc bất lực than thở thì chỉ biết cầu cứu với các cơ quan công luận như báo chí. Tôi lo ngại nếu điều khoản này trong dự thảo luật được thông qua, liệu sẽ dẫn tới những vi phạm, những tiêu cực của nhà giáo, nếu có, có bị ém nhẹm, che đậy hay không?".

Là một phụ huynh có con học tại Q.1, TP.HCM, chị Thu Hà (tên nhân vật được thay đổi) nêu góc nhìn: "Thời gian qua, dư luận xã hội góp phần lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nhiều tiêu cực liên quan nhà giáo như lạm thu, "quỹ lớp", "quỹ trường"… Công dân có quyền được phản ánh những tiêu cực của cá nhân, tổ chức ở các lĩnh vực, không riêng gì nhà giáo. Và khi chia sẻ, phản ánh thông tin, bất cứ công dân nào cũng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những điều mình đưa ra".

Hôm 24.10, thông tin tới báo chí về những điểm mới trong dự thảo luật Nhà giáo bản trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Trung tâm Truyền thông và Sự kiện (Bộ GD-ĐT) cho biết quy định về quyền, nghĩa vụ của nhà giáo, về những việc không được làm hướng đến tăng tính bảo vệ đối với nhà giáo. Thông tin gửi tới báo chí cho biết: "Quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định. Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học".

Tuy nhiên, phản biện về điều này, thầy Hùng Nam thẳng thắn: "Nhà giáo cần được bảo vệ bằng môi trường giáo dục và làm việc thân thiện, lược bỏ những vấn đề hình thức; nhà giáo cần được bảo vệ bằng cách nên có một kênh thông tin được bảo mật để nhà giáo dám nói, dám tranh luận, dám phản biện về những quyết sách giáo dục, về tình trạng "luật vua thua lệ làng", về những ông "vua con" trong trường học...".

Không công khai thông tin sai phạm nhà giáo khi chưa có kết luận: Còn nhiều băn khoăn- Ảnh 2.

Năm 2019, giáo viên một trường tiểu học tại Q.Tân Phú, TP.HCM bị phụ huynh phát hiện đánh nhiều học sinh lớp 2 thông qua camera quay lén trong lớp. Dư luận xã hội, báo chí đồng loạt phản ánh, ngày 22.10, UBND quận Tân Phú, TP.HCM ban hành quyết định buộc thôi việc giáo viên này

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH


BẢO VỆ DANH DỰ VÀ QUYỀN RIÊNG TƯ NHƯNG CẦN MINH BẠCH

Là một giáo viên ngoài công lập, ông Lê Hoàng Phong, nhà sáng lập Tổ chức giáo dục và đào tạo YOUREORG, cho hay có rất nhiều lợi ích mà ngành giáo dục cũng như cộng đồng sẽ đạt được khi công khai sai phạm (nếu có) của nhà giáo. Thứ nhất là đảm bảo tính minh bạch, giúp phụ huynh, học sinh và toàn xã hội có cái nhìn chính xác về chất lượng và đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Minh bạch cũng là cách để khẳng định cam kết của ngành giáo dục đối với những giá trị cốt lõi như trung thực, công bằng và trách nhiệm.

Công khai sai phạm góp phần ngăn ngừa các hành vi tiêu cực và giúp nhà giáo, cũng như những cá nhân khác trong ngành có ý thức cao hơn về vai trò và trách nhiệm của mình. Khi mọi người biết rằng sai phạm có thể bị công khai thì điều này sẽ trở thành động lực thúc đẩy mỗi cá nhân tự kiểm soát hành vi và hành xử đúng mực. Từ đó không chỉ tạo ra một môi trường làm việc tích cực mà còn giữ vững niềm tin của phụ huynh và xã hội vào đội ngũ nhà giáo.

Ông Lê Hoàng Phong cho rằng điểm b, mục 3, Điều 11 của dự thảo luật Nhà giáo có điểm tiến bộ là nhằm bảo vệ danh dự và quyền riêng tư của nhà giáo, đảm bảo tính chính xác và tránh thông tin sai lệch. "Tuy nhiên, quy định này tiềm ẩn những bất cập làm giảm tính minh bạch của quá trình thanh tra cũng như có thể dẫn đến nguy cơ che đậy sai phạm trong nội bộ. Việc hạn chế công khai thông tin trong quá trình điều tra có thể vô tình tạo điều kiện cho một số cá nhân hoặc tổ chức lạm dụng quyền lực để che đậy sai phạm. Ngoài ra, quy định không khuyến khích sự tham gia của xã hội và các tổ chức giám sát trong việc phản ánh và phát hiện sai phạm. Trong khi xã hội có quyền được biết về những hành vi ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, quy định này lại khiến dư luận bị "bịt mắt" trước những vấn đề trong hệ thống giáo dục", ông Phong nói.

Ông Phong đề xuất để đạt được hiệu quả tối đa, dự thảo luật Nhà giáo cần điều chỉnh bổ sung cơ chế công khai thông tin theo từng giai đoạn điều tra, đảm bảo tính minh bạch mà vẫn bảo vệ quyền riêng tư cho nhà giáo. Thêm vào đó, cần thiết lập các kênh phản hồi độc lập từ cộng đồng, cho phép phụ huynh và học sinh đóng góp thông tin một cách có trách nhiệm.

Luật sư nói gì ?

Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Công ty luật Sài Gòn Việt Nam) cho biết theo quan điểm cá nhân ông, quy định không được "công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo", là không phù hợp.

"Thứ nhất, Điều 16 Hiến pháp (2013) quy định: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật". Dù là nhà giáo thì cũng là một người, là một công dân nên phải tuân thủ quy định này. Thứ hai, Điều 119 của Hiến pháp quy định: "Hiến pháp là luật cơ bản của nước CHXHCN Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp". Do đó nếu dự thảo luật Nhà giáo quy định không cho phép "công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo" là trái với Hiến pháp.

Thứ ba, nếu quy định nêu trên của dự thảo luật Nhà giáo được thông qua sẽ dẫn đến tình trạng các ngành nghề khác cũng "xin" được điều chỉnh bởi các quy định có tính chất tương tự, và như thế sẽ dẫn đến hậu quả là có nhiều tiêu cực sẽ phát sinh", luật sư Nguyễn Minh Thuận thẳng thắn.

Thạc sĩ, luật sư Kiều Anh Vũ (Công ty Luật KAV Lawyers), cho rằng chỉ cần quy định theo hướng không được "lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo" là đầy đủ. "Việc phản ánh các thông tin một cách trung thực, chính xác, nhất là phản ánh của báo chí về các vụ việc sai phạm, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, kể cả trong lĩnh vực giáo dục hay của nhà giáo (nếu có) thì không có lý do gì để hạn chế, cấm đoán. Tuy vậy, cá nhân, tổ chức nào công khai thông tin liên quan về nhà giáo thì phải chịu trách nhiệm về việc công khai thông tin đó, nếu có vi phạm thì hiện nay cũng đã có đầy đủ chế tài để xử lý vi phạm đối với hành vi công khai thông tin sai sự thật", thạc sĩ, luật sư Kiều Anh Vũ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.