Không cứ con trai chọn nghề kỹ thuật, con gái chọn nghề văn phòng

03/04/2019 20:43 GMT+7

Trong cuộc tọa đàm Bình đẳng giới trong việc lựa chọn ngành nghề tổ chức tại Trường đại học Thành Đô (Hà Nội), các chuyên gia cho biết nhiều thí sinh do bị định kiến về giới chi phối, nên đã sai lầm khi chọn nghề.

Hôm nay, 3.4, tại Trường đại học Thành Đô diễn ra cuộc tọa đàm Bình đẳng giới trong việc lựa chọn ngành nghề. Khách mời của cuộc tọa đàm là những chuyên gia về bình đẳng giới, gồm: GS Vương Tiến Hòa, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Hội phụ sản Việt Nam; bà Trần Thị Phương Nhung, chuyên gia tư vấn các vấn đề về giới và giáo dục của văn phòng UNESCO Hà Nội; bà Hà Thị Vân Khánh, chuyên gia bình đẳng giới, điều phối viên dự án quốc gia, Văn phòng UN-ACT Việt Nam.
Theo các chuyên gia, muốn nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực nói chung, phát triển nguồn nhân lực nữ nói riêng trong bối cảnh hội nhập, cần có sự thay đổi nhận thức từ chính các em, những học sinh lớp 12 đang chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2019. Các em cả nam cũng như nữ phải nhận thức đúng về vai trò và tiềm năng của nguồn nhân lực nữ, về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nữ, từ đó nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trong nghề nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, GS Vương Tiến Hòa đã chia sẻ, phân tích những thông tin vô cùng bổ ích về giới tính, về sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới xét về mặt y - sinh học, sự khác biệt giới tính này từ cấu tạo hoóc môn, nhiễm sắc thể, các bộ phân sinh dục,... nhưng không ảnh hưởng gì đến thành công của các em trong nghề nghiệp mà các em chọn (ngoại trừ một vài nghề đặc biệt), vì đa số các nghề đều phù hợp với cả nam lẫn nữ. Vì thế, những yếu tố quyết định sự thành công trong nghề nghiệp của một người gồm khả năng (trình độ), đam mê và kỹ năng.
GS Hòa cho rằng, những suy nghĩ nam giới nên làm nghề ngày, nữ giới nên làm nghề kia không xuất phát từ các cơ sở khoa học về y - sinh học, mà là từ định kiến. Chúng ta từ xưa đến nay luôn mặc định rằng đàn ông là trụ cột, có quyền quyết định những công việc lớn trong gia đình và xã hội, còn phụ nữ thì đứng đằng sau chăm lo gia đình. Quan niệm đó còn ảnh hưởng đến ngày này, thế kỷ 21.
Theo GS Hoà, vẫn nhiều phụ nữ được khuyên là nên học ít thôi, đừng giữ những chức vụ cao hơn chồng, đừng học nhiều hơn chồng, không được vượt mặt chồng, nếu không sẽ khó có cơ hội hạnh phúc. Quan điểm đó đã ảnh hưởng rất lớn trong đời sống ngày nay, đến cơ hội phát triển của phụ nữ, và phát triển của xã hội. 
Bà Phương Nhung cũng cho rằng, một nhận thức sai lầm tai hại là hiện nay nhiều người mặc nhiên cho rằng con gái thì chỉ hợp với các nghề văn phòng, hay làm giáo viên, còn con trai thì làm kỹ thuật. Nguyên nhân sâu xa của quan niệm này là do suy nghĩ ích kỷ của nam giới, cho rằng phụ nữ là phải chăm sóc gia đình, con cái, đảm nhận việc nội trợ, nên công việc xã hội có “nhẹ nhàng” thì mới có thời gian và sức khỏe phục vụ gia đình.
“Chính các bố mẹ cũng cần thay đổi, nên định hướng cho con mình chọn những nghề mà con phát huy được năng lực của con, chứ không phải là những nghề để sau này có điều kiện làm việc nhà tốt. Chúng ta phải giúp các bạn nữ tự tin, mạnh dạn lựa chọn những nghề mà các em thấy hào hứng”, bà Phương Nhung nói.
Bà Hà Thị Vân Khánh thì nhận xét, từ trước đến nay, các thí sinh thường có xu hướng chọn ngành nghề theo số đông và chọn nghề theo thời cuộc chứ không quan tâm đúng mức tới sở trường hay đam mê của mình. Trong khi đó, thực tế cho thấy trong công việc, với người không có đam mê thì việc vượt qua các trở ngại, khó khăn là rất chật vật. Nếu đam mê, con người sẽ luôn có động lực để phấn đấu vươn lên.
Bà Vân Khánh chia sẻ: “Không cứ theo nghề thời thượng là thành công. Cách đây khoảng 15 năm, cả xã hội đổ xô vào mấy ngành hot là ngân hàng, ngoại thương. Nhưng gần đây, nguy cơ thất nghiệp sau khi ra trường của các bạn học ngân hàng là rất cao. Tôi biết có một trường hợp sau khi tốt nghiệp THPT thì đi học trung cấp về ô tô, giờ bạn ấy là quản lý cấp cao của một hãng ô tô nổi tiếng. Trong khi các bạn cùng lớp 12 với bạn ấy trước đây đi học đại học các trường kinh tế thì giờ chỉ là nhân viên văn phòng bình thường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.