Tuy nhiên, việc này đã được Bộ Y tế dự báo từ trước, vì cuối năm và trong kỳ nghỉ tết, việc người dân đi lại giao lưu giữa các địa phương, giữa các gia đình lớn, do đó chắc chắn có tiếp xúc giữa các F0 và số ca nhiễm mới sẽ tăng lên.
Đánh giá diễn biến dịch và việc tăng cường các biện pháp kiểm soát ngăn ngừa lây nhiễm là cần thiết, đặc biệt khi có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, cũng không vì vậy mà quá hoảng hốt, để vội vã đưa ra các biện pháp phòng dịch cực đoan, với các quy định ngăn cấm không phù hợp.
Trước đây, chúng ta từng áp dụng một số biện pháp “cứng rắn” để chống dịch vì khi đó chưa bao phủ vắc xin và hệ thống y tế quá tải do kinh nghiệm và năng lực điều trị chưa được tốt như hiện nay... Hiện tại, với thành quả của bao phủ vắc xin rộng; ý thức phòng dịch của người dân đã gần như được phổ cập; năng lực phòng chống dịch của hệ thống y tế được củng cố và đặc biệt là hệ thống y tế đã bớt nguy cơ quá tải do đa phần người mắc đã có thể cách ly, quản lý tại nhà, do đó việc áp dụng các biện pháp phòng dịch cần được thực hiện đúng với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong giai đoạn này, hầu hết các địa phương đều đã thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng linh hoạt để phát triển kinh tế; học sinh được trở lại trường học; và các biện pháp phòng dịch được đánh giá với quy mô đến tận xã, phường, thậm chí có thể quy mô nhỏ hơn. Việc này giúp cho các địa phương có biện pháp phù hợp, không ảnh hưởng đến sự phục hồi chung của nền kinh tế, đời sống người dân.
Chính phủ cũng đã có các công điện về việc đẩy nhanh hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, trong đó đã nêu rõ yêu cầu của Thủ tướng với các địa phương về việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly...) liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân phải bảo đảm tính khoa học, thống nhất trong công tác phòng chống dịch Covid-19; không đặt ra những quy định về phòng chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân.
Với tinh thần đó, thay vì cấm đoán để phòng dịch thì các địa phương phải có biện pháp phòng chống chủ động như: đảm bảo bao phủ vắc xin đúng tiến độ; hướng dẫn, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại các điểm cung cấp dịch vụ; trong các đơn vị, trường học...; chủ động về kịch bản các phương án thu dung điều trị chứ không chỉ vì ca mắc vừa có xu hướng tăng mà đưa ra giải pháp phòng chống dịch cực đoan.
Vì vậy, phòng chống dịch Covid-19 lúc này là chuyển tư duy cấm đoán, zero Covid-19 sang chấp nhận ca mắc cộng đồng, cùng với phải kiểm soát rủi ro và phòng bệnh thực hiện chung sống nhưng vẫn đảm bảo an toàn với dịch.
Bình luận (0)