Không đầu tư cho khoa học công nghệ theo phong trào

16/05/2019 07:40 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học công nghệ và ưu tiên chi cho khoa học công nghệ tương xứng, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không làm theo phong trào, gây lãng phí.

Không đầu tư cho khoa học công nghệ theo phong trào, đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển KT-XH của Việt Nam” ngày 15.5. Hội nghị do Bộ KH-CN phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mô hình tăng trưởng nội sinh (được trao giải Nobel Kinh tế năm 2018) chứng minh rằng công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.
“Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Vậy bí quyết là cái gì? Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ”, Thủ tướng đánh giá.
Dẫn chứng thêm số liệu cả khu vực nhà nước và tư nhân, chi cho KH-CN của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%, Singapore 2,2%, Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%), Thủ tướng nhấn mạnh: “Nếu không mạnh dạn đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta. Do vậy, cả nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KH-CN và ưu tiên chi cho KH-CN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí”.
Thủ tướng giao Bộ KH-CN là đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ 5 vấn đề lớn về chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp; phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo; thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao.
Sau hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-CN sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển KH-CN và hoạt động đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần khẩn trương trình Chính phủ đề án hoàn thiện thể chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia.
Chuyển đổi số có thể đem lại tăng trưởng GDP cho VN 1,1%/năm
Tại hội nghị, các chuyên gia đã trình bày báo cáo về tương lai nền kinh tế số của Việt Nam và các kết quả bước đầu của báo cáo KH-CN và đổi mới sáng tạo đến 2035, tầm nhìn 2045. Đưa ra các kịch bản về tương lai kinh tế số Việt Nam, bà Lucy Cameron, tư vấn nghiên cứu cao cấp CSIRO (Cơ quan chuyên về nghiên cứu về KH-CN liên bang Úc), cho rằng Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số và có thể trở thành nước dẫn đầu về phát triển công nghệ số. Bà Lucy Cameron nhận định: “Tác động của chuyển đổi số có thể sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.