Nội dung trọng tâm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa 14 tuần này là 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ. Một điểm mới của hoạt động chất vấn lần này là QH không chọn những nội dung thuộc các lĩnh vực đang “nóng” để QH chất vấn như thông lệ mà sẽ chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Thay vì một số bộ trưởng, trưởng ngành ngồi ghế “nóng”, tất cả các thành viên Chính phủ sẽ ngồi tại chỗ, trả lời những vấn đề được đại biểu (ĐB) nêu ra.
Vẫn còn chuyện đã hứa nhưng làm chưa rõ nét
|
Bên cạnh đó, việc tất cả các thành viên Chính phủ cùng Thủ tướng tham gia trả lời chất vấn cũng thể hiện Chính phủ trọng dân, vì dân, theo đúng quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng một chính phủ hành động, liêm chính và phục vụ.
ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng việc “mở rộng” chất vấn đối với tất cả các thành viên Chính phủ là “rất hợp lý” vì lần này là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, có vai trò “tạo đà” để hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn. Là người tại kỳ họp trước đã chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về tuyến “quốc lộ như ruộng cày” tại Bình Định mà Báo Thanh Niên có nhiều bài phản ánh, ĐB Hạnh cho biết những vấn đề lớn của địa phương như quốc lộ, cảng Quy Nhơn, sau khi có ý kiến của cử tri, ĐB, đặc biệt là sau phiên chất vấn thì có sự chuyển động, vào cuộc rất rõ nét.
“Cử tri đánh giá cao hoạt động chất vấn của QH, những quyết tâm của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong việc thực hiện lời hứa với người dân. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước, vẫn còn chuyện đã hứa nhưng thực hiện chưa rõ nét”, ĐB Hạnh nói và cho rằng những vấn đề các ĐB chất vấn đều có sự nghiên cứu rất kỹ, đều là những vấn đề bức xúc nên rất mong khi nhận được các chất vấn thì các bộ trưởng, trưởng ngành vào cuộc để xử lý cho người dân.
Phải có cơ chế mạnh hơn để xử lý trách nhiệm
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề: “Những ý kiến chất vấn của ĐBQH sau khi được các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời thì có buộc bộ trưởng phải giải quyết không? Nếu bộ trưởng không giải quyết được do nguyên nhân chủ quan chứ không phải khách quan thì chế tài xử lý sẽ như thế nào, hiện nay chưa có”. Bà cũng cho biết cử tri mong muốn phải có cơ chế mạnh hơn nữa, để xử lý trách nhiệm bộ trưởng, trưởng ngành khi không thực hiện, giải quyết chất vấn của ĐBQH. Có như vậy thì công tác hậu giám sát, hậu chất vấn sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Mặc dù hài lòng với sự vào cuộc của Chính phủ đối với các vấn đề mà ĐBQH chất vấn tại QH, song ĐB Lý Tiết Hạnh băn khoăn vì tới nay, thời gian của nhiệm kỳ sắp hết, các bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian tập trung giải quyết những việc lớn, những việc có tính chất chiến lược chứ không phải giải quyết việc mang tính sự vụ, phản ứng dây chuyền như đường hỏng, dư luận lên tiếng rồi chạy theo sửa.
“Thời gian đâu để làm mãi những việc như vậy trong khi chương trình, kế hoạch của nhiệm kỳ còn rất nhiều”, ĐB Hạnh nêu và cho rằng thay vì chạy theo sửa đường hỏng, các bộ trưởng, trưởng ngành phải quan tâm tới chất lượng công trình ngay từ lúc làm chứ không phải đợi ĐB chất vấn thì mới đi sửa. ĐB Hạnh cho hay tại kỳ họp này sẽ không chất vấn sự vụ cụ thể mà đặt vấn đề về liên kết hạ tầng vùng. Theo ĐB Hạnh, đây là vấn đề lớn mà nếu làm tốt sẽ giảm tải gánh nặng cho Chính phủ cũng như tạo điều kiện cho các vùng miền liên kết với nhau, phát huy lợi thế lẫn nhau.
“Một số ĐB cũng đã chất vấn về chủ trương liên kết vùng, Bộ trưởng cũng đã thể hiện quyết tâm rất cao và định hướng của Chính phủ cũng rất rõ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy chuyển động gì”, ĐB Hạnh nêu.
Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 QH khóa 14, trình bày chi tiết việc thực hiện 2 nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề (đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và 3 nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn (tại các kỳ họp thứ 2, 3, 4).
Báo cáo của Chính phủ khẳng định xác định nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển KT-XH, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục những hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, báo cáo khẳng định vẫn còn những hạn chế như chất lượng xây dựng thể chế còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn chậm; công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả...
|
Chất vấn là cơ hội tốt để nhìn nhận tồn tại của các bộ, ngành
Tại kỳ họp lần này, QH sẽ chất vấn việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ. Còn bộ nào nhiều, bộ nào ít thì chúng ta đã thấy rất rõ qua kỳ lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi. Rõ ràng, bộ trưởng nào số phiếu tín nhiệm còn thấp nhất thì vấn đề bức xúc của ngành đó sẽ được nhiều ĐBQH đặt ra để giải quyết.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa)
Cách xử lý của Chính phủ với 12 dự án thua lỗ là phù hợp
Với vấn đề 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, theo dõi trong thời gian vừa qua, tôi nghĩ cách xử lý của Bộ Công thương và Chính phủ tương đối phù hợp. Chúng ta không vì thua lỗ mà mang bán hay cho phá sản các doanh nghiệp. Cần có lộ trình tìm cách hồi phục và làm thế nào giảm dần lỗ và chuyển tới hoạt động có hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khi phát biểu tại QH đã cho biết, hiện có 2 dự án bắt đầu có hiệu quả nên có thể chuyển ra khỏi danh mục phục hồi và tiến tới cổ phần hóa. Nếu thực hiện như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ không bị thất thoát tiền vốn tài sản nhà nước hoặc thất thoát ít hơn số tiền đã đầu tư vào đó. Đồng thời, chúng ta cũng phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh của những ngành, lĩnh vực có sản phẩm quan trọng, phải duy trì.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)
|
Bình luận (0)