Oán nhiều
Nếu có nơi nào đó ở TP.HCM mà dân oán chính quyền nhiều nhất liên quan đến nhà đất thì có thể là H.Bình Chánh. Có 2 vấn đề mà dân kêu ca mãi vẫn không giải quyết xong là quy hoạch treo và xây dựng không phép. Đúng là ở khu vực này có những dự án treo mấy chục năm chưa thấy làm. Vì lẽ đó, dân muốn làm giấy tờ cũng không được, sửa chữa nhà khó khăn, xây dựng mới thì càng không…
Bao nhiêu năm người dân ở trên đất của mình mà chẳng phải của mình, cứ nơm nớp lo sợ. Vì thế họ không trách chính quyền sao được? Bên cạnh đó, do có nhu cầu về nhà ở nên phải xây dựng trái phép rồi bị đập phá, khổ sở trăm bề.
Đào Minh Dương (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM)
tin liên quan
Người Sài Gòn chia ca để ăn, chen nhau sống ở khu 'ổ chuột'Nhà không mái che, sống chung với rác, chất thải sinh hoạt đổ thẳng xuống kênh, gần cả chục con người già trẻ chen chúc ở…, là những vấn đề mà hàng ngàn hộ dân sống ở khu 'ổ chuột' đang trải qua hằng ngày.
Thất thu thuế
Khu vực tôi ở là đường Phạm Hùng, ấp 2, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, sát bên Q.8. Thế nhưng, mấy chục năm nay khu này bị quy hoạch treo, không làm chủ quyền được, sửa chữa, xây dựng càng không. Tuy vậy, việc mua bán nhà đất diễn ra khá rầm rộ và tất cả là mua bán bằng giấy tay. Tất nhiên nhà nước không thu được một khoản thuế nào từ việc chuyển nhượng nhà đất ở khu vực này. Nếu nhà nước xóa bỏ quy hoạch treo, làm chủ quyền cho dân sẽ thu được tiền thuế khổng lồ.
Bên cạnh đó, khi dân chuyển nhượng nhà đất đã có chủ quyền, nhà nước cũng thu được thuế. Bấy nhiêu thôi đủ thấy nhà nước thiệt thòi quá nhiều và dân cũng khổ không kém khi cứ quy hoạch treo.
Trần Hữu Nghĩa (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM)
Cơ chế riêng
TP.HCM nên cho H.Bình Chánh một cơ chế đặc thù liên quan đến nhà đất. Tuy Bình Chánh là khu vực nông thôn nhưng do gần sát đô thị lớn nên người dân ít tiền, dân nhập cư đổ về đây mua đất, cất nhà rất nhiều và giá đất cũng khá cao dù là đất nông nghiệp. Xây trái phép, bị phát hiện thì bị đập, nếu không bị đập thì phải chung chi… Vì vậy, nếu không cho Bình Chánh một cơ chế riêng, đặc thù mà cứ làm thẳng tay thì không biết bao nhiêu căn nhà xây dựng trái phép bị đập bỏ, tổn thất tiền của người dân là không ít. Do đó, để phát triển bền vững, tránh những hệ lụy từ việc xây dựng trái phép, hãy cho Bình Chánh một cơ chế quản lý nhà đất phù hợp với tình hình thực tế ở nơi đây.
Võ Xuân Thủy (Q.8, TP.HCM)
Quy định phải phù hợp
Một gia đình ở một xã của H.Bình Chánh gồm 2 vợ chồng và 3 người con đã đến tuổi trưởng thành. Gia đình xin sửa chữa nhà trệt có diện tích 4 x 10 m vì nhà quá xuống cấp. Do nhu cầu sinh hoạt, gia đình này làm thêm gác lửng để các con và vợ chồng có chỗ sinh hoạt riêng tư. Tuy nhiên, chính quyền xử phạt và buộc tháo dỡ gác lửng vì không thể xây dựng gác lửng, nhà cũ sao thì sửa y như vậy. Với 5 con người sinh hoạt trong diện tích 40 m2 để vừa ngủ, ăn… liệu có đủ không? Vậy mà nỡ lòng nào buộc dân tháo dỡ gác lửng. Luật như vậy liệu có nhân văn, có đáp ứng đời sống của người dân hay không? Liệu chính quyền có biết chăm lo đời sống nhân dân hay không trong trường hợp này?
Trần Minh Tường (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Phức tạp là đúng
Tình hình xây dựng trái phép tại H.Bình Chánh phức tạp là đúng. Nhu cầu về nhà ở của người dân quá cao trong khi đất đai dù ở sát đô thị nhưng là đất nông nghiệp. Muốn xây dựng đúng trình tự thủ tục của nhà nước thì phải xin tách thửa, chuyển đổi mục đích, xin giấy phép xây dựng... Trong khi đó, dân có đủ tiền để mua một diện tích đất nông nghiệp nhỏ để làm nhà, không đủ điều kiện để tách thửa, thế là phải xây dựng trái phép, rồi bị đập... Đó là cái vòng luẩn quẩn ở H.Bình Chánh hiện nay. Chính quyền phải làm sao giúp dân thoát khỏi tình trạng này càng sớm càng tốt.
Hồ Văn Đức (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Đinh Trúc Ly (Q.8, TP.HCM)
Lê Tấn Vàng (H.Bình Chánh, TP.HCM)
T.T - Duy Khanh (thực hiện)
|
Bình luận (0)