Không để đất vàng ở TP.HCM hoang phí: Cần cơ chế đột phá 'cởi trói' nhà đất công

12/06/2024 06:06 GMT+7

Mặt bằng bỏ trống lãng phí, chờ phê duyệt theo quy định chung thì lâu, nhiều địa phương mạnh dạn đề xuất áp dụng cơ chế đột phá để nhanh chóng khai thác.

TP.Thủ Đức sắp cho thuê 11 khu đất

Năm 2018, trụ sở Quận ủy và UBND Q.9 (2/304 xa lộ Hà Nội, P.Hiệp Phú) khánh thành và đưa vào sử dụng quy mô 6 tầng khang trang, hiện đại. Nhưng đến năm 2021, TP.Thủ Đức thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức thì trụ sở này đóng cửa. Khi Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Thủ Đức thành lập vào tháng 8.2023, trụ sở cũ mới được sử dụng lại. Với quy mô xây dựng ban đầu dành cho hoạt động của Quận ủy và UBND quận với nhân sự hàng trăm người, nay chỉ riêng trung tâm nói trên nên sử dụng không hết công năng, phòng ốc.

Không để đất vàng ở TP.HCM hoang phí: Cần cơ chế đột phá 'cởi trói' nhà đất công- Ảnh 1.

Trụ sở Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Thủ Đức sẽ được khai thác làm nơi giới thiệu sản phẩm, văn phòng đại diện DN

Sỹ Đông

Mới đây, HĐND TP.Thủ Đức thông qua tờ trình của UBND TP.Thủ Đức về việc cho phép 6 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sử dụng nhà đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết. Tổng cộng có 11 khu đất với tổng diện tích khoảng 148.000 m2 tham gia đề án, trong đó có khu đất địa chỉ 2/304 xa lộ Hà Nội rộng hơn 9.500 m2 do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Thủ Đức quản lý. Mặt bằng này dự kiến khai thác thêm làm không gian lập nghiệp, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, văn phòng đại diện các doanh nghiệp (DN), cho thuê hội trường, bãi giữ xe...

Trong 11 khu đất, rộng nhất là cơ sở chính Nhà thiếu nhi TP.Thủ Đức (281 Võ Văn Ngân, P.Linh Chiểu) rộng hơn 30.000 m2 dự kiến khai thác các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao (TDTT), phòng chức năng, hội trường. Trung tâm TDTT TP.Thủ Đức có 3 khu đất tham gia đề án nhằm phát triển bóng đá, cầu lông, hoạt động thương mại phục vụ TDTT. Còn Trung tâm văn hóa TP.Thủ Đức cũng sử dụng 2 khu đất rộng 32.000 m2 nhằm khai thác tối đa hội trường và các phòng chức năng, căn tin, bãi giữ xe.

Một số trường học cũng tham gia đề án như Trường tiểu học Nguyễn Minh Quang (P.Long Thạnh Mỹ) và Trường THCS Lương Định Của (P.Thạnh Mỹ Lợi) khai thác mặt bằng còn trống làm hồ bơi, sân bóng đá, sân thi đấu và tổ chức các hoạt động TDTT khác.

Một lãnh đạo UBND TP.Thủ Đức cho biết việc rút ngắn quy trình, không phải thông qua Thường trực HĐND TP.HCM như thông thường mà chỉ cần HĐND TP.Thủ Đức đồng ý là cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội dành riêng cho TP.Thủ Đức. Sau khi HĐND TP.Thủ Đức thông qua chủ trương, các cơ quan chuyên môn sẽ thẩm định và trình UBND TP.Thủ Đức phê duyệt đề án sử dụng tài sản công là nhà đất vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết. Trong quá trình thẩm định đề án, địa phương sẽ trao đổi, hiệp thương với các sở ngành, Thường trực Ban Chỉ đạo 167 để thống nhất phương án sử dụng hiệu quả nhất.

Vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị

Q.Gò Vấp có 72 ĐVSNCL trực thuộc như chợ, trường học, trung tâm văn hóa thể thao, nhà thiếu nhi. Trong đó, hiện có 45 đơn vị sử dụng một phần cơ sở kinh doanh, cho thuê nhằm cung cấp các dịch vụ phụ trợ, hỗ trợ như: bãi giữ xe, căn tin, ki ốt, hồ bơi, nhà thi đấu, sân vận động, một phần cơ sở sự nghiệp chưa sử dụng hết công suất...

Lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch Q.Gò Vấp cho biết từ năm 2020 - 2022, 38 ĐVSNCL có hoạt động cho thuê bãi giữ xe, căn tin chưa được phê duyệt đề án, thu về 9,5 tỉ đồng nhưng không được sử dụng số tiền này. Thực tế, các ĐVSNCL vẫn đang sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê nhằm cung cấp các dịch vụ phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Việc chậm thẩm định, phê duyệt đề án dẫn đến các ĐVSNCL không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Trước thực trạng trên, năm 2022, UBND Q.Gò Vấp xây dựng đề án "Thí điểm ủy quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại ĐVSNCL" trình UBND TP.HCM xem xét. Lãnh đạo UBND Q.Gò Vấp cho biết đề án này vận dụng theo Kết luận 14 năm 2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung cùng các văn bản hướng dẫn của Thành ủy, UBND TP.HCM. Khi ủy quyền về cho quận, tiến độ phê duyệt đề án sử dụng tài sản công sẽ được đẩy nhanh giúp các đơn vị tổ chức được nhiều hoạt động, tăng thu cho ngân sách, tạo nguồn thu ổn định để sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, nâng cao thu nhập cho nhân viên, từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính.

Lãnh đạo Q.Gò Vấp cho biết việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê phải đảm bảo các nguyên tắc như không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chung, không làm mất quyền sở hữu về tài sản công, sử dụng tài sản đúng mục đích, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí... Theo đề xuất của địa phương, thời gian thí điểm đến hết năm 2026.

Tháng 11.2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có quyết định chấp thuận chủ trương cho UBND Q.Gò Vấp nghiên cứu xây dựng đề án này. Mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM chấp thuận Sở Nội vụ đề xuất thành lập hội đồng đánh giá đề án rồi thực hiện các bước tiếp theo.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế TN-MT TP.HCM, cho rằng nên mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho quận huyện quản lý, quyết định việc sử dụng, cho thuê để giảm bớt đầu mối, sớm khai thác nguồn lực đất đai. Ngoài ra, nhà nước cần nới thời gian cho thuê tối thiểu là 5 năm để người thuê có kế hoạch đầu tư và thu hồi vốn.

Doanh nghiệp đề xuất gì?

Ông L.T.L, giám đốc một công ty kho vận ở Q.7 từng tham gia đấu thầu khai thác nhiều nhà đất công, đánh giá các quy định mà nhà nước đưa ra chưa thực sự hấp dẫn. Điểm cải thiện duy nhất là việc khai thác mặt bằng trước đây thực hiện theo hợp đồng 1 năm rồi gia hạn, còn bây giờ nâng thời gian lên 5 năm. Việc tăng thời gian khai thác giúp DN an tâm, có kế hoạch đầu tư mà không lo mặt bằng bị thu hồi bất chợt.

Dù vậy, vị giám đốc này chỉ ra nhiều bất cập. Thứ nhất là không cho phép DN chuyên về logistics cho thuê lại mặt bằng làm giảm sức hấp dẫn, ít DN tham gia đấu thầu. Bởi lẽ, nhiều khu đất công có diện tích lớn, một DN thường sử dụng không hết, nếu được cho thuê lại thì phương án khai thác sẽ khả thi hơn.

Thứ hai là về sửa chữa, DN cần phải nâng nền, nâng mái, sơn phết, sửa chữa, cải tạo, gắn bảng hiệu lại nhưng thủ tục quá rườm rà. Chi phí này DN tự chịu, không tính vào giá thuê, việc cải tạo không làm thay đổi kết cấu công trình.

Thứ ba là giá thuê, nhiều khu đất nhà nước đưa ra giá khá cao so với mặt bằng chung của thị trường. Như mặt bằng ở đường Trần Xuân Soạn (Q.7), giá 110.000 đồng/m2 thì quá cao.

Thứ tư là về chức năng mặt bằng, DN có thể thuê làm văn phòng nhưng cũng có thể làm kho chứa hàng để phân phối. Dù vậy, một số điều khoản hợp đồng cứng nhắc, chỉ cho làm văn phòng mà không cho làm nhà kho.

Thứ năm là thủ tục về PCCC. Vị giám đốc này cho biết phần lớn mặt bằng của nhà nước là nhà xưởng cũ, xuống cấp, xây dựng trước luật PCCC nên không được trang bị hệ thống PCCC. Đến khi cho DN thuê lại, cơ quan chức năng yêu cầu DN tuân thủ về PCCC, trong quá trình kiểm tra định kỳ nếu mặt bằng không có thì bị xử phạt hoặc buộc ngưng hoạt động. Tuy nhiên, nếu đầu tư hệ thống PCCC thì DN phải tốn thêm chi phí lắp đặt vốn không hề rẻ, có khi lên đến cả tỉ đồng cho mặt bằng 1.000 m2. Chưa kể, cơ quan chức năng chỉ cấp giấy phép cho đơn vị chủ quản chứ không phải đơn vị đi thuê lại.

"Nhà nước muốn cho thuê giá cao nhưng lại ràng buộc nhiều điều kiện khiến DN không thể khai thác tối đa hiệu quả khu đất", vị này nói, đồng thời chỉ ra một số mặt bằng ở đường 3 Tháng 2 (Q.10), đường Trần Xuân Soạn (Q.7) hiện vẫn còn bỏ trống dù treo bảng cho thuê nhiều tháng qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.